Ruộng bậc thang của đồng bào Thái
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Thái, không ít các truyền thuyết, trường ca, truyện cổ, câu đố, ca dao, tục ngữ, thành ngữ... đều ít hoặc nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp nói về cây lúa nước trong đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của đồng bào Thái. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học đã khẳng định, ngay từ thời tiền sử, người Thái ở Việt Nam đã biết trồng lúa nước và đạt tới trình độ kỹ thuật nhất định. Nhiều dấu vết hóa thạch của vỏ trấu trên vùng đất có người Thái cư trú được tìm thấy qua các đợt khảo cổ có chủ đích, hoặc đơn giản là khi đào móng các công trình xây dựng.
Nhiều người vẫn nhớ tới câu chuyện xung quanh việc những hóa thạch vỏ trấu được tìm thấy tại khu vực hồ U Va (thuộc địa phận bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vào đầu tháng 8/2003. Khi một nhóm thợ thi công khu du lịch khoáng nóng U Va, trong lúc đào một cái giếng để lấy nước sinh hoạt, nhóm công nhân tình cờ phát hiện nhiều mảnh gốm có hoa văn lạ, một số mảnh sứ màu men ngọc. Ngoài ra, còn có các bình cổ, dây chuyền, cọc gỗ, mẫu thóc cháy. Đặc biệt là có một lưỡi cày sắt với kiểu dáng mà từ lâu rồi cả vùng Mường Thanh không thấy ai sử dụng.
Những tri thức và niềm tin tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái xung quanh nền nông nghiệp lúa nước là nét văn hóa thú vị, đa dạng. Những tri thức này không chỉ giúp người Thái khai thác một cách hợp lý, hiệu quả diện tích đất canh tác để phục vụ cuộc sống, mà còn góp phần tạo ra bản sắc riêng cho nền văn hoá dân tộc với nhiều tinh hoa...
Theo nội dung “Báo cáo điều tra khảo cổ học” ngày 26/8/2003 của nhóm nghiên cứu Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) thì địa điểm này là nơi cư trú lâu đời của những cư dân cổ xưa ở Điện Biên. Qua các di vật cho thấy, họ đã đạt trình độ phát triển cao và có thể có những hoạt động giao thương với cả bên ngoài. Những mảnh sứ màu men ngọc tương tự như những mẫu men sứ thời Lý (1010 - 1225), những hạt thóc cháy được xem là những di chỉ quý giá, góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển cây lúa ở Điện Biên cũng như lịch sử cây lúa vùng Đông Nam Á.
Ông Lò Văn Thâng, dân tộc Thái, giáo viên dạy chữ Thái của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, thông thường ruộng nước được chia làm hai loại cơ bản: Loại ruộng được khai phá trên những khu đất rộng, bằng phẳng hoặc tương đối bằng phẳng (tiếng Thái là “na tông”, tức cánh đồng lớn). Chẳng hạn như cánh đồng Mường Thanh trong lòng chảo Điện Biên là cánh đồng lớn nhất trong số các bồn địa nổi tiếng vùng Tây Bắc, như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” mà mọi người đều biết. Ngoài ra, có một loại ruộng hẹp hơn về chiều ngang (thường gọi ruộng bậc thang) men theo các sườn đồi, lòng thung do người dân khai khẩn, tiếng Thái là “na hon”. Cho dù canh tác ở “na tông” hay “na hon” thì ruộng phải có đủ nước. Người Thái có câu tục ngữ: “Mí nặm chắng pên na/Mí na chắng pên khẩu” (Có nước mới có ruộng/Có ruộng mới nên cơm). Với những chân ruộng quanh năm có đủ nước tưới thì việc canh tác mỗi năm hai vụ lúa là điều mà hộ nông dân nào cũng mong muốn, vì nhờ đó mà bảo đảm phần lương thực cho gia đình.
Cối giã gạo dùng bằng sức nước thể hiện sự sáng tạo của đồng bào Thái
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Chung, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tỏ ra tâm đắc khi lý giải: Bà con dân tộc Thái có nhiều kinh nghiệm trong việc chinh phục nguồn nước tự nhiên. Các công trình thuỷ lợi như mương phai, ống máng, guồng cọn hoặc máy cán bông và cối gạo nước... là những bằng chứng cho kết luận trên. Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc của nền nông nghiệp Thái là cơm lam, nếp cẩm, nếp tan; toàn những thứ đã thơm lại dẻo, đã dẻo lại bùi. Đặc điểm cư trú nổi bật của đồng bào Thái là dọc các thung lũng vùng thấp, nơi có nhiều sông suối ao hồ. Trên thực tế, đồng bào Thái dù sống ở vùng nào cũng giỏi chài lưới ngoài sông, ngoài suối. Nhờ vậy, bữa ăn hằng ngày của bà con được tăng cường nguồn dinh dưỡng do các hoạt động sông nước đem lại.
Tín ngưỡng của đồng bào Thái có nhiều hoạt động liên quan đến sông nước, đó là Hội đua thuyền được tổ chức vào đầu mùa Xuân hằng năm, là tục gội đầu bằng nước gạo chua của phụ nữ Thái chiều tất niên (Tết âm lịch), là Lễ cầu mưa, Lễ cúng cơm mới tổ chức ở từng gia đình... Những tri thức và niềm tin tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái xung quanh nền nông nghiệp lúa nước là nét văn hóa thú vị, đa dạng. Những tri thức này không chỉ giúp người Thái khai thác một cách hợp lý, hiệu quả diện tích đất canh tác để phục vụ cuộc sống, mà còn góp phần tạo ra bản sắc riêng cho nền văn hoá dân tộc với nhiều tinh hoa...
Trương Hữu Thiêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét