Sinh ra trong một gia đình võ quan, từ nhỏ ông đã có sức khỏe hơn người, ham học, có chí tiến thủ, có hiếu với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới, nhưng không chịu khuất phục với kẻ ngang ngược. Căn cứ vào bài ngự chế của vua Minh Mạng năm thứ 19 (1838), ông là con trai của cụ Trần Văn Phú từng làm quan dưới triều vua Gia Long; mẹ là Lê Thị Thành được vua Minh Mạng ban chế khen ngợi phong cho hai chữ “cung nhân”.
Lớn lên theo con đường binh nghiệp của cha, tướng quân Trần Văn Vĩnh luôn tỏ ra là người cương trực, có khí tiết, thông thạo võ kinh, văn lý, có tài dụng binh học hỏi từ các bậc danh tướng, có tư duy chiến lược, chiến thuật quân sự xuất sắc. Ông đã làm rạng danh dòng tộc với sự nghiệp võ quan trải qua các triều vua Nguyễn từ thời Gia Long đến Minh Mạng và Tự Đức.
Trong bài chế vua Minh Mạng ngự ban cho ông năm thứ 15 (1834) ghi rõ: “Ông là người có chí tang bồng hồ thỉ, có tài thao lược cung kiếm, tung hoành vó ngựa chốn sa trường, võ nghệ tinh thông, theo hầu soái tướng cần mẫn, cờ hiệu tung bay, trù liệu luyện binh, giúp cho quân hùng tướng mạnh. Trước sau một lòng cần mẫn, có tài chế ngự số đông quân giặc. Thật xứng đáng được lưu trong điển lệ, ban thưởng công lao. Vì thế mà thăng cho chức Phấn dũng tướng quân Thần sách quân hậu doanh, tuyển phong hậu vệ Phó vệ úy, trật tòng tam phẩm. Ban cho cáo mệnh, tôn sùng nhất tâm nhất đức, hết lòng vì binh nhung chẳng quản gian khó, công lao càng thêm rạng rỡ, lan tỏa muôn phương. Báo đáp công lao để lại tiếng thơm muôn thuở”. Điều này cũng đã được sách “Đại Nam thực lục chính biên” đệ nhị kỷ XI tập XV ghi khá rõ: Ngày mồng 8 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) với nhiều công lao và đóng góp trong việc tuyển mộ và trù liệu luyện binh, đảm bảo an toàn cho cung điện và cấm thành, góp phần tạo nên lực lượng quân đội hùng mạnh được đánh giá là hàng đầu Đông Nam Á tại thời kỳ đó, ông Trần Văn Vĩnh được vua Minh Mạng phong cho chức Phó vệ úy Hậu vệ tuyển phong, trật tòng tam phẩm, là phẩm hàm rất cao dưới triều Nguyễn.
Trong thời gian làm quan, Trần Văn Vĩnh đã lập nhiều công lao, từng đi dẹp loạn bè đảng quấy nhiễu ở Nghệ An. Với những công lao ấy, “tháng 10 năm Tự Đức thứ 2 (1849), nhà vua ban tiền thưởng cho các quan lúc về hưu. Trần Văn Vĩnh lúc này 76 tuổi đang giữ chức Vệ úy túc vũ vệ, tòng tam phẩm, ông được ban 70 quan tiền” (sách Đại Nam thực lục chính biên).
Trở về quê nhà, ông tích cực tham gia hội tư văn trong làng. Sau 7 năm ông mất, hưởng thọ 83 tuổi. Hiện nay mộ và nhà thờ vẫn còn tại quê hương Vãn Hà (nay là thị trấn Thiệu Hóa).
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Cuối tháng 4/2024, UBND huyện Thiệu Hóa đã gửi hồ sơ lên HĐND tỉnh đề xuất đưa cụ Trần Văn Vĩnh vào ngân hàng tên đường phố là sự ghi nhận của các cấp đối với công lao cụ Trần Văn Vĩnh đã dành cho dân, cho nước. Đồng thời đây là niềm vinh dự, tự hào của con cháu của cụ nói riêng và của Đảng bộ và Nhân dân huyện Thiệu Hóa nói chung.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Nhuệ, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học Việt Nam: Di tích mộ và nhà thờ cụ Trần Văn Vĩnh có nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa. Các văn bản Hán - Nôm còn lưu giữ tại nhà thờ cụ Trần Văn Vĩnh là bằng chứng ghi nhận công lao to lớn của một danh tướng sinh ra trên vùng đất xứ Thanh được sử sách ghi danh. Đây cũng là nguồn sử liệu quý có ý nghĩa trong việc nghiên cứu các sự kiện lịch sử dưới triều Gia Long, Minh Mạng và Tự Đức. Có thể nói, hệ thống các sắc phong, sắc chỉ, văn bằng cùng công trình mộ, nhà thờ cụ Vệ úy Trần Văn Vĩnh là những di sản văn hóa - lịch sử có giá trị, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Đến nay hậu duệ của cụ Trần Văn Vĩnh vẫn tiếp nối truyền thống, học tập và phát triển kinh tế, góp sức đẩy mạnh các phong trào khuyến học, ủng hộ người nghèo, đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
NGUYỄN VĂN TRỤ (CTV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét