Đền Tía ở làng Vân Cổn được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Đầu thế kỷ XIX, Vân Cổn là một làng thuộc tổng Cổ Định (Nông Cống). Đến thời Đồng Khánh, do cư dân phát triển đông đúc, làng được công nhận là một xã thuộc tổng Yên Định. Sau năm 1945, Vân Cổn thuộc xã An Nông.
Từ năm 1953 đến nay, Vân Cổn thuộc xã Vân Sơn (Triệu Sơn).
Làng Vân Cổn hiện có 4 thôn, tổng diện tích tự nhiên là 230 ha, với 800 hộ, 3.500 nhân khẩu (bằng 43,5% dân số toàn xã). Làng Vân Cổn có nhiều dòng họ lớn đến cư trú và lập nghiệp. Tương truyền vào thời nhà Lý có 4 gia đình từ vùng Kinh Bắc vào sinh sống, sau này hình thành 4 chi họ Lê Văn, Lê Quang, Lê Trọng, Lê Kim. Ông tổ họ Lê phân chia cho hai chi Lê Văn, Lê Quang ở giữa làng, chi Lê Kim ở đầu làng, chi Lê Trọng ở cuối làng. Lâu dần vùng đất màu mỡ ven sông Nhơm trở thành điểm đến của nhiều gia đình và dòng họ từ các vùng trong tỉnh, trong huyện đến cư ngụ, sinh sống và lập nghiệp.
Theo truyền thuyết mà dân làng Vân Cổn truyền lại, vào đời nhà Lý có một võ tướng theo lệnh vua dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành ở phương Nam. Khi đi qua địa phận của làng, ông cho quân lính dừng lại nghỉ ngơi. Đêm hôm đó, ông mơ thấy có một đám mây màu hồng trước mặt, trong đám mây xuất hiện một vị thiên tướng cưỡi ngựa đáp xuống. Sáng sớm hôm sau, vị tướng nhà Lý cho lập đàn khấn xin vị thiên tướng phù hộ cho đoàn quân thắng trận và hứa sẽ lập đền thờ khi thắng trận trở về. Sau khi chiến thắng trở về triều đình, vị tướng đã tâu với vua Lý Thánh Tông ban chiếu cho lập làng mang tên Vân Cổn, với ý nghĩa là vầng mây hồng cuộn lại. Đồng thời, cho xây dựng ngôi đình làng để thờ cúng vị thần.
Tại sườn núi Tía phía Tây Nam của làng, từ xa xưa có phủ Bà Triệu (gọi là phủ Tía). Tương truyền, khi lập căn cứ ở núi Nưa (năm 248) để chống quân xâm lược nhà Ngô, bà Triệu đã có lần đặt chân đến khu vực này và sau này đây cũng là một trong những địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Để tưởng nhớ công ơn của bà, Nhân dân Vân Sơn đã lập phủ thờ bà. Hằng năm, vào ngày 16/2 âm lịch, phủ Tía (hoặc đền Tía) tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo người dân đến dâng hương, tham quan, vãn cảnh. Hiện đền Tía đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và được trùng tu, tôn tạo khang trang, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tâm linh của người dân.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhân dân làng Vân Cổn đã cùng với Nhân dân cả nước tham gia vào 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua 2 cuộc kháng chiến, làng Vân Cổn đã có hàng trăm thanh niên tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc; có 52 liệt sĩ đã ngã xuống và 19 thương binh. Làng cũng có 2 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều gia đình, cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương các loại.
Bí thư chi bộ làng Vân Cổn, ông Lê Bá Sáng cho biết: Sau khi sáp nhập theo Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14, hiện làng Vân Cổn có 4 thôn, gồm thôn 5, thôn 6, thôn 7, thôn 8; trong đó, năm 2021 có thôn 7 là một trong hai thôn đầu tiên của huyện Triệu Sơn được công nhận là NTM kiểu mẫu, hiện thôn 7 đang xây dựng thôn thông minh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong làng không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo. Trung bình mỗi năm, làng có trên dưới 30 cháu thi đậu vào các trường đại học. Có nhiều con em trong làng học hành đỗ đạt và giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước, trong đó có 1 giáo sư, 4 tiến sĩ, 5 đại tá...
Nối tiếp truyền thống ấy, thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, các thế hệ người con của làng Vân Cổn luôn phát huy truyền thống cần cù sáng tạo, truyền thống hiếu học, tinh thần yêu nước nồng nàn, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài và ảnh: Khắc Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét