Đình làng Ngô Xá Hạ nhuốm màu rêu phong, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, nhiều cuộc mít tinh đấu tranh cách mạng của quần chúng Nhân dân địa phương.
Ngày thu đầu tháng 9 yên ả, nắng vàng mơ trải nhẹ trên mặt sông Chu tĩnh lặng, gió nhè nhẹ phiêu diêu cùng vạt cỏ may tím biếc, tôi rảo bước trên triền đê uốn lượn, trải dài ôm lấy dòng sông Chu mang nặng phù sa để trở vào thăm lại Di tích lịch sử Quốc gia đình làng Ngô Xá Hạ tại vùng đất nằm bên hữu ngạn dòng sông chu mang tên “làng Đồng Chí".
Mỗi bước chân tìm về Ngô Xá Hạ, tôi như chạm vào lịch sử, cảm nhận được hơi thở của những thế hệ cha ông đã sống và đấu tranh hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nằm ở trung tâm của làng Đồng Chí (nay là khu phố Đồng Chí), với thế “núi trước, sông sau", đình Ngô Xá Hạ hiện lên trước mắt tôi vững chãi, như một chứng nhân bất diệt của những trang sử vàng oai hùng của huyện Thiệu Hóa nói riêng và của cả tỉnh Thanh Hóa nói chung. Mái đình Ngô Xá Hạ nhuốm màu rêu phong, khoác lên mình sự khác biệt với kiến trúc của Pháp được chạm khắc hoa văn tinh xảo như lưu giữ từng giọt mồ hôi và nước mắt của bao thế hệ đã dày công xây dựng, gìn giữ. Những cột đình rắn rỏi, kiên cố như những cột mốc của một thời kỳ oanh liệt, đang lặng lẽ kể lại câu chuyện về sự kiên cường, đoàn kết của Nhân dân nơi đây trong nhiều sự kiện lịch sử, nhiều cuộc mít tinh đấu tranh cách mạng chống bắt phu, bắt lính, chống bọn phản động, trừng trị bọn chức sắc ác ôn, chống giặc Nhật cướp lương thực, thực phẩm của các chiến sĩ cách mạng, quần chúng Nhân dân làng Ngô Xá Hạ với khí thế sục sôi. Trên bia đá trong khuôn viên đình làng có ghi lại, cách đây khoảng trên 500 năm về trước làng được hình thành trên khu đất cồn Đông. Theo dòng chảy của lịch sử, làng đã chuyển về vị trí như bây giờ.
Tôi may mắn được gặp các cụ cao niên trong làng, những người không trực tiếp sống qua thời kỳ khởi nghĩa đầy gian khổ và hào hùng, nhưng lại giữ trong lòng những câu chuyện được truyền lại từ cha ông. Các cụ ngồi quây quần bên nhau, ánh mắt sáng lên khi kể lại những kỷ niệm và câu chuyện mà họ đã nghe từ thế hệ trước. Giọng kể của các cụ trầm ấm, từng câu từng chữ như thấm đượm sự hùng tráng và quyết tâm của một thời kỳ đã qua. Mỗi lời kể là một mảnh ghép của bức tranh lịch sử, là câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết của những con người bình dị nhưng kiên cường.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng - đại tá quân đội về hưu kể: “Ngày từ khi chưa có Đảng Cộng sản Việt Nam, trên quê hương làng Xá Hạ đã có 2 tổ chức tiền thân là “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội" và “Tân Việt Cách mạng đảng”. Khi có chi bộ đầu tiên ở huyện Thiệu Hoá thì làng Ngô Xá Hạ đã có một trong bốn người đầu tiên của chi bộ. Ngay từ những ngày đầu sơ khai của Đảng, nhiều người con ưu tú của làng đã dấn thân vào sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Bởi vậy, nhiều phong trào đấu tranh cách mạng từ quần chúng Nhân dân của huyện và tỉnh được khởi xướng tại ngôi làng nhỏ bé này. Đỉnh cao của phong trào là cuộc đấu tranh đòi Cử Khải trả lại công điền, công thổ của Nhân dân các làng vào cuối năm 1930. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Nông hội đỏ mà nòng cốt là các ông Hoàng Trọng Bình, Hoàng Tiếng Cuông, Hoàng Tiến Phác, quần chúng Nhân dân các làng đã gửi đơn lên tri phủ Thiệu Hóa đòi thực hiện dân chủ trong bầu lý trưởng. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi đã cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng Nhân dân trong vùng”.
Theo lời ông Hưng, đến tháng 3/1934 Chi bộ ghép Ngô Xá Hạ và Ngô Xá Thượng, Cựu Thôn được thành lập nhằm động viên Nhân dân tham gia các hội cơ sở. Từ đây, phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân ở các làng đã có Đảng lãnh đạo. Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, tại nhà ông Hoàng Văn Khải, Chi bộ đã phân công cho đồng chí Ngô Đức, Hoàng Tiến Trình tổ chức một cuộc mít tinh gồm 50 người, hai đồng chí đã diễn thuyết kêu gọi Nhân dân đoàn kết đấu tranh, đòi tự do dân chủ, đòi giảm thuế điền, thuế chợ, thuế thân, thuế đò... Làng Ngô Xá Hạ đã khẳng định nơi đây là một địa chỉ tin cậy để các cấp lãnh đạo về đây hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng.
Sang năm 1940, cơ sở cách mạng ở Thiệu Minh, làng Ngô Xá Hạ nhận được tài liệu nghị quyết Trung ương 6, điều lệ Hội Phản đế Cứu quốc, Tự vệ Cứu quốc. Đến giữa năm 1940, tổng Xuân Lai tổ chức cuộc mít tinh tại Phủ Ông Tào (làng Hà Thanh) với khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp - Nhật“, “Tiễu trừ Việt gian, phản động”. Cuộc mít tinh có hơn 100 người Thiệu Minh tham dự. Đầu năm 1945, sự kiện Chi bộ làng Ngô Xá Hạ được kiện toàn và cùng với Phủ uỷ Thiệu Hoá được tái lập, đồng chí Ngô Đức là người con trung kiên của làng làm Bí thư và Chủ nhiệm Việt Minh, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng. Các cán bộ được tham gia học tập, tăng cường xây dựng các đội tự vệ phát động quần chúng đấu tranh. Thời kỳ này, phong trào đấu tranh cách mạng ở Thiệu Minh nói chung và làng Ngô Xá Hạ nói riêng diễn ra vô cùng sục sôi.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng lật dở từng trang sách kể về lịch sử hào hùng của đình làng Ngô Xá Hạ
Kể về những ngày tháng gian khổ khi làng bị địch chiếm đóng, giọng ông nghẹn ngào khi những mất mát mà làng phải gánh chịu, nhưng ánh mắt lại rực sáng khi nhắc đến niềm vui chiến thắng, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đình làng. Ông Hưng khi ấy tuy còn nhỏ tuổi nhưng tới tận bây giờ, từng khuôn mặt của các chiến sĩ, những người con của làng đã ra đi mà không bao giờ trở lại vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm của ông và những người con nơi đất Ngô Xá Hạ hào hùng.
Cụ Nguyễn Tiến Minh, một trong những bô lão đang ngồi tại mái đình Ngô Xá Hạ tiếp lời, nói: “Sau khi Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận được Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", chúng ta đã triệu tập hội nghị, đề ra phương hướng hành động. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Đức, Bí thư Phủ ủy Thiệu Hóa và đồng chí Ngô Ngọc Vũ, quần chúng Nhân dân tổ chức cuộc tuần hành tại chợ Đu. Các làng của xã Thiệu Minh đã cử hơn 100 người tham gia. Đoàn tuần hành từ chợ Đu đến chợ Go, vừa đi, vừa hô khẩu hiệu: Đả đảo phát xít Nhật! Đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim! Ủng hộ Mặt trận Việt Minh!. Truyền đơn rải khắp các chợ, uy thế của phong trào đấu tranh cách mạng lên cao, chẳng khác nào ngày hội của Nhân dân với khí thế sục sôi”. Đến tháng 5/1945, chi bộ Ngô Xá Hạ đã tổ chức cuộc mít tinh tại đình làng do các đồng chí Ngô Đức và Hoàng Trọng Phiêu lãnh đạo với hơn 100 người dân tham gia. Hưởng ứng lời kêu gọi “Sắm sửa vũ khí đánh đuổi kẻ thù chung" của Tỉnh uỷ, các làng đã hưởng ứng sôi nổi. Chi bộ cử người, các nhà giàu vận động góp tiền mua vũ khí. Phong trào đóng góp mua vũ khí diễn ra sôi nổi, các đồng chí cán bộ, đảng viên đi đầu đã bán nhiều vật dụng trong gia đình để lấy tiền mua sắm các loại vũ khí, giáo mác và các loại la bàn, dây chảo, đồng hồ chuẩn bị cho khởi nghĩa.
“Nhận được chỉ thị của Uỷ ban khởi nghĩa Thiệu Hoá, cán bộ đảng viên làng Ngô Xá Hạ tích cực vận động Nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm. Hội Phụ nữ chuẩn bị cơm nắm, đội Tự vệ chuẩn bị vũ khí sẵn sàng lên đường chiến đấu. Không khí diễn ra vô cùng tưng bừng và nảy lửa", cụ Minh nói tiếp.
Chiều tối 18/8/1945, lực lượng tự vệ các làng với vũ khí sẵn sàng tập trung tại đình làng Ngô Xá Hạ. Sau đó tập kết về bãi đê làng Cựu Thôn để cùng với lực lượng tự vệ các làng của tổng Xuân Lai xuống thuyền về phủ Thiệu Hóa đánh chiếm trường tiểu học và phủ đường. Trận chiến diễn ra hết sức ác liệt, quân địch điên cuồng chống cự buộc lực lượng cách mạng phải nổ súng tấn công. Đến rạng sáng 19/8/1945 quân ta đã chiếm được toàn bộ phủ đường và trường tiểu học, chính quyền cách mạng về tay Nhân dân. Sáng ngày 23/8, trên 3.000 tự vệ chiến đấu của các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc đội ngũ chỉnh tề rầm rộ xuất quân từ đình làng Ngô Xá Hạ đi nhập thành Thanh Hóa dự lễ ra mắt Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch. Thắng lợi cách mạng tháng 8/1945 là bước ngoặt trọng đại trong sự nghiệp cách mạng của quê hương Thiệu Minh nói chung và làng Ngô Xá Hạ nói riêng. Từ thân phận nô lệ, từ nay Nhân dân đã được làm chủ cuộc đời mình.
Người dân khu phố Đồng Chí treo cờ Tổ quốc trên các tuyến đường chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.
Đứng dưới mái đình Ngô Xá Hạ cổ kính, lắng nghe câu chuyện lịch sử từ các cụ trong làng, tôi cảm nhận được sự dâng tràn cảm xúc trong từng lời kể của mỗi người. Mỗi lời kể, mỗi chi tiết của làng Ngô Xá Hạ được các cụ kể lại bằng tất cả sự chân thành, niềm tự hào và cả vẻ đượm buồn trên gò má đã nhăn nheo theo năm tháng.
Những câu chuyện về những trận chiến ác liệt, những hy sinh thầm lặng và lòng dũng cảm của những người đi trước như sống lại qua giọng kể đầy cảm xúc của các cụ.
Ông Nguyễn Hoàng Hưng tâm sự: “Tôi không chỉ đơn giản là kể về một sử ký oai hùng của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Xá Hạ, mà còn mong muốn được gửi gắm vào đó những kỳ vọng đối với thế hệ con cháu sau này của quê hương. Tôi hy vọng lớp trẻ nơi đây sẽ không ngừng nỗ lực kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, phấn đấu xây dựng một làng Ngô Xá Hạ, giờ là khu phố Đồng Chí hào hùng trong lịch sử và phát triển không ngừng trong hiện tại”.
Lan Chinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét