11 thg 9, 2024

Di sản nhà sàn của người Ba Na ở làng cổ Kon Jơ Dri


Bên cạnh những nét văn hóa phi vật thể như cồng chiêng, múa xoang, sử thi, lễ hội truyền thống… thì nhà sàn của người Ba Na là nét văn hóa vật thể đáng tự hào cần được quan tâm bảo tồn, gìn giữ, bởi lẽ cùng với nhà rông, nhà sàn đã tạo nên không gian làng đặc biệt của đồng bào Ba Na ở làng cổ Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.



Không gian và kiến trúc của một trong những ngôi nhà sàn truyền thống đẹp nhất làng Kon Jơ Dri. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Nằm yên bình bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa của thành phố Kon Tum, Kon Jơ Dri là một trong những bản làng Ba Na cổ nhất, xinh đẹp nhất và còn khá nguyên vẹn ở Tây Nguyên hiện nay.

Cả làng hiện có hơn 170 hộ đồng bào người Ba Na quần tụ sinh sống. Trong đó tỉ lệ nhà sàn truyền thống hiện còn chiếm trên 20%. Các ngôi nhà sàn được xây dựng vây quanh ngôi nhà rông – “trái tim” của làng Kon Jơ Dri.

Không giống như nhà của người Kinh hay nhà sàn của các dân tộc khác, nhà sàn người Ba Na ở Kon Tum nói chung và ở làng Kon Jơ Dri nói riêng có lối kiến trúc và giá trị thẩm mĩ riêng nên được xem như một di sản văn hóa vật thể riêng có của người Ba Na.




Nhà chồ là không gian thú vị trong kiến trúc nhà sàn của người Ba Na. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Người Ba Na có tập quán làm nhà quay về hướng Nam, bởi theo kinh nghiệm dân gian, hướng Nam vừa tránh được ánh nắng chiếu trực tiếp từ hướng Đông vào buổi sáng và hướng Tây vào buổi chiều nhưng vẫn đảm bảo được nguồn ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà; đồng thời hướng Nam còn tránh được gió nóng từ phía Tây thổi tới hoặc gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Vì thế ngôi nhà vừa đảm bảo được độ thông thoáng, có ánh sát tốt, lại vừa ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè.

Khác hẳn với nhà dài của người Ê Đê thường kéo dài về phía sau, nhà sàn của người Ba Na ở Kon Jơ Dri là nhà ngang nên nhìn từ trên cao xuống tổng thể hình dáng của ngôi nhà sàn trông như một chữ “T” khổng lồ.




Những nét thú vị trong ngôi nhà sàn của người Ba Na. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Do nhà có kết cấu ngang nên gian giữa thường dành làm nơi thờ tự và tiếp khách, hai bên là nơi ở. Tùy vào điều kiện kinh tế và số người ở mà nhà sàn người Ba Na có thể có từ 12 đến 24 cây cột chính, thậm chí đến 30 cột, tức số cột càng nhiều thì không gian nhà càng lớn, đủ để cho mấy thế hệ cùng sống chung.

Chiều cao, kích thước ngôi nhà không có quy định bắt buộc mà thường tùy thuộc vào lượng nguyên vật liệu làm nhà và độ lớn nhỏ của các cột gỗ mà người thợ sẽ ước lượng tính toán ra kích thước chiều cao, chiều rộng, chiều dài của ngôi nhà sao cho hợp lí. Trong đó chiều cao từ mặt đất lên tới sàn nhà thường khoảng từ 1,5 cho đến 2 m. Chiều cao từ sàn nhà lên đến mái từ 2 cho đến 4 m tùy theo vị trí; chiều dài từ 8 đến 20 m, và chiều rộng từ 4 đến 8 m tùy vào độ lớn nhỏ của ngôi nhà.

Đặc biệt, quá trình làm nhà sàn người Ba Na không dùng đinh để cố định các mối ghép, mối nối giữa cột, kèo mà dùng các mộng gỗ để cố định các khớp nối với nhau. Theo những nghệ nhân làm nhà sàn có kinh nghiệm ở Kon Jơ Dri, làm nhà sàn khó nhất là việc dựng các cây cột, bởi nếu tính toán không chính xác vị trí đặt cột cũng như cách đục các lỗ mộng trên thân cột thì khi lắp dựng có thể khiến cho ngôi nhà không chắc chắn, mất đi vẻ cân đối và việc lắp ráp các cấu kiện đi kèm như kèo, đòn tay, rui, mè… cũng sẽ rất khó khăn.

Nhà rông, nơi sinh hoạt cộng đồng, được xem là trái tim trong văn hóa cộng đồng làng bản của người Ba Na. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Nhà sàn truyền thống của người Ba Na trước kia chủ yếu làm bằng các vật liệu tranh, tre, nứa, lá. Mái nhà lợp bằng tranh, vách làm bằng phên tre, sàn bằng thân cây tre, nứa hoặc lồ ô... đập giập ghép sát vào, duy chỉ có các cây cột chính và cầu thang thì thường làm bằng gỗ cà chít, loại gỗ rừng có vị đắng và cứng chắc, ít bị mối ăn, lại chịu được mưa gió. Nhà sàn thường ít trang trí hoa văn họa tiết, chỉ ở khu vực lan can quanh nhà là thường có trang trí hình mặt trời.

Kể từ khi có sự giao thoa với cộng đồng người Kinh sinh sống tại Kon Tum, người Ban Na bắt đầu thay đổi cách làm nhà bằng việc đổi các loại vật liệu tranh, tre, nứa, lá sang các loại vật liệu bền chắc hơn như lợp mái bằng ngói vảy, ngói tây, làm vách bằng đất trộn với rơm trát vào khung tre, sàn bằng gỗ để tăng đồ bền và độ chắc chắn. Tuy có sự thay đổi về vật liệu nhưng bố cục nhà sàn của người Ba Na vẫn không thay đổi.




Không gian sinh hoạt bên trong ngôi nhà sàn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Đặc biệt, kiến trúc nhà sàn của người Ba Na khác với nhà sàn của các dân tộc khác là phía trước gian chính của ngôi nhà có một khoảng sàn rộng và thoáng gọi là nhà chồ (tiếng Ba Na gọi là “hnam pra”). Nhà chồ là không gian kết nối giữa cửa chính với cầu thang lên xuống. Nhà chồ có mái che nhưng không có vách ngăn nên vị trí này luôn thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên. Do nhà chồ là chỗ thoáng mát, rộng rãi nên đây là nơi giã gạo, đan lát, dệt thổ cẩm và cũng là chỗ sinh hoạt, vui chơi chung và để tiếp khách của cả gia đình.

Trong nhà sàn, gian bếp thường được dựng thêm ở ngay sát bên phía tay trái, nhìn từ ngoài vào. Không gian bếp có cầu thang lên xuống riêng để thuận tiện cho việc đưa nước, thức ăn, củi đốt và cả nông cụ sản xuất mỗi khi đi làm về. Phía dưới gầm nhà sàn nhiều gia đình thường dùng làm nơi chứa củi đốt, nông cụ lao động, thuyền độc mộc và đôi khi là cả cỗ quan tài dành để lo hậu sự cho người lớn tuổi. Ngoài ngôi nhà chính, trong khuôn viên vườn nhà người Ba Na còn thường dựng thêm một các nhà kho nhỏ để cất trữ lúa gạo và các loại lương thực khác. Nhà kho nhỏ có sàn cất cao khỏi mặt đất, bốn phía quây kín để tránh ẩm thấp, mưa gió và chuột bọ phá hại.



Một vài ngôi nhà sàn khác ở làng Kon Jơ Dri. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Nhìn tổng thể, nhà sàn người Ba Na có sự cân đối, hài hòa, chắc chắn, gần gũi với thiên nhiên và có tính thẩm mĩ cao, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, cao ráo, thông thoáng nên tránh được sự ẩm thấp, mưa rừng, thú dữ. Cũng chính vì nhà sàn người Ba Na có tính thẩm mĩ cao nên ngày nay nhiều người ở Kon Tum khi xây dựng các công trình nhà ở, khu vui chơi giải trí theo lối hiện đại cũng thường mô phỏng theo kiểu dáng ấy để làm.

Ngày nay, bên cạnh những di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng như cồng chiêng, múa xoang, sử thi, lễ hội truyền thống… thì nhà sàn còn được xem như một di sản văn hóa vật thể đáng tự hào của người Ba Na, góp phần đưa Kon Jơ Dri trở thành làng du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Kon Tum.

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét