29 thg 1, 2022

Khô cá lóc chinh phục thực khách Tây Nguyên

Tận dụng lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sah - thượng nguồn sông Krông Nô, trên địa bàn hai xã Nam Ka và Krông Nô, huyện Lắk (Đắk Lắk), gần 20 hộ dân ở một số tỉnh Miền Tây đến làm nhà lồng để nuôi cá.

Gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các nhà lồng trên hồ thủy điện Buôn Tua Sah hối hả thu hoạch cá, cân bán cho thương lái phục vụ thị trường Tết. Chị Đỗ Thị Mỹ Ý, quê huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết: Vợ chồng chị lên đây nuôi cá từ năm 2011. Hiện tại, gia đình có 2 lồng nuôi cá lóc rộng trên 80 m², nuôi 20.000 con, mỗi năm thu khoảng 8-10 tấn. Cùng với bán cá thương phẩm, chị Ý còn chế biến “khô cá lóc’, một loại đặc sản chị đã quen thuộc khi còn ở quê An Giang.
“Lúc nào nhà thu có cá thì bớt lại để làm khô cá lóc, còn nếu không có thì mua cá của các lồng bên làm bán cho khách. Cá rửa sạch, cạo vẩy, ướp muối, ớt, phơi khô sạch từ 2-3 nắng mới mang bán. Giá vào khoảng 200.000 – 300.000/kg tùy vào chất lượng cá. Khách du lịch tới mua nhiều, khi ăn ngon và quen vị rồi mà không tới mua trực tiếp được thì lại gọi điện đặt hàng để ship. Hoặc giao hàng bỏ sỉ cho các mối lớn bán” - chị Đỗ Thị Mỹ Ý cho biết.

Hiện có khoảng 50 lồng nuôi cá lóc tại khu vực hồ thủy điện Buôn Tua Sah, cung cấp ra thị trường khoảng 100 - 120 tấn cá thương phẩm mỗi năm.

Ông Phạm Quốc Bình ở thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, bản thân ông và các thành viên trong gia đình rất thích các món ăn miền Tây trong đó có khô cá lóc. Mỗi khi có dịp đi qua hồ thủy điện Buôn Tua Sah là ông lại ghé mua sản phẩm của các hộ nuôi nơi đây. Ông Bình cho biết, lúc này đang là thời điểm có nhiều khô cá lóc ngon nhất trong năm vì đúng cao điểm mùa thu hoạch, tiết trời mùa khô thuận lợi cho phơi cá. Theo ông Bình, món khô cá lóc mùa này ăn ít béo, dai, giòn; có thể nướng, chiên làm mồi nhậu hay kho hành ăn với cơm trắng.

"Tôi có thưởng thức món khô cá lóc miền Tây cách đây hơn 10 năm khi có dịp đến tỉnh An Giang. Năm ngoái khi đi qua khu vực hồ thủy điện Buôn Tua Sah, tôi thấy họ bán nên mua về ăn thử, khi ăn thấy vị ngon, không có nhiều khác biệt so với sản phẩm khô cá lóc dưới các tỉnh miền Tây. Mỗi khi có dịp đi qua huyện Lắk là tôi lại mua, rồi về chế biến gọi bạn bè đến nhậu lai rai”.

Sản phẩm khô cá lóc miền Tây do các hộ nuôi ở hồ thủy điện Buôn Tua Sah đang dần chinh phục thực khách Tây Nguyên.

Bà Sao Hương – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lắk thông tin, trên hồ thủy điện Buôn Tua Sah hiện có nhiều hộ nuôi cá lồng, trong đó có 50 lồng chuyên nuôi cá lóc, quần tụ trên diện tích khoảng 6 ha lòng hồ. Mỗi năm các nhà lồng ở đây cung cấp ra thị trường khoảng 100-120 tấn, thu về từ 5-6 tỷ đồng.

Bà Sao Hương cho rằng, tiềm năng phát triển ngành nuôi thủy sản của địa phương là rất lớn vì có nhiều ao, hồ. Thị trường tiêu thụ cá thì khá lớn và ổn định, mang lại thu nhập cho người nuôi và khô cá lóc đang dần trở thành một sản phẩm đặc trưng, chinh phục du khách tuyến Đà Lạt-Buôn Ma Thuột: “Việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra hiện nay thì cơ bản thuận lợi. Không chỉ cung cấp ở trong huyện mà còn cung cấp thực phẩm sống cho các thị trường như Krông Nô, thành phố Buôn Ma Thuột; hay xuất bán qua các huyện lân cận của tỉnh Lâm Đồng như Lâm Hà, Đam Rông. Bên cạnh đó, sản phẩm cá lóc khô thì khách đi qua lại họ mua tại chỗ cũng nhiều. Nói chung khách hàng rất ưa chuộng món khô cá lóc này”.

Tuấn Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét