18 thg 1, 2022

Thánh thất lớn nhất của đạo Cao Đài ở Việt Nam

Thánh thất Đa Phước

Thánh thất mang tên là Đa Phước có lối kiến trúc độc đáo, mang vẻ đẹp riêng, tọa lạc trên đồi thông thơ mộng của TP Đà Lạt; thu hút hàng nghìn tín đồ đến sinh hoạt đạo và gây ấn tượng đặc biệt cho người đến chiêm bái.

Thánh thất gồm 3 phần chính: Hiệp Thiên Đài ở phía trước, Cửu Trùng Đài ở giữa và Bát Quái Đài ở phía sau; về kiến trúc tổng thể, được xây dựng theo kiểu mẫu của Tòa Thánh Tây Ninh, chỉ thay đổi một số chi tiết và họa tiết trang trí.
Hiệp Thiên Đài gồm 2 lầu chuông cao 18m, mỗi lầu có 5 tầng, trong lầu có treo một cái chuông lớn gọi là Bạch Ngọc Chung, là nơi thờ Hộ pháp của đạo. Đây cũng là nơi các chức sắc quản lý, bảo vệ luật pháp chân truyền của đạo, lập ra các tòa đạo để xử lý những tín đồ phạm luật.

Toàn cảnh Thánh thất ở Đà Lạt

Lối vào Thánh thất có 2 cặp cột trụ đặt song song, mỗi cặp có một cột đắp hình rồng đỏ và một đắp hình hoa sen chạm trổ tinh vi, màu sắc rực rỡ tượng trưng Đại hội Long Hoa.

Phía giữa lối vào là bức họa vẽ bàn tay từ trong mây đưa ra cầm một cán cân đặt trên quả địa cầu, gọi là Cân Công Bình, tượng trưng cho công lý phán xét công tội của con người trước khi được chuyển kiếp tiến hóa.

Thờ Thượng đế qua hình tượng Thiên nhãn

Bên phải lối vào là tượng ông Thiện, mình mặc giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm đại đao nhưng gương mặt hiền từ, tượng trưng cho điều thiện. Bên trái lối vào là tượng ông Ác, cũng mặc khôi giáp, nhưng gương mặt dữ dằn, một tay cầm búa, một tay cầm Ngọc ấn tỷ phù, tượng trưng cho điều Ác.

Trần của Thánh thất được làm thành những mái vòng cung trang trí nhiều ngôi sao tượng trưng cho bầu trời với hàng ngàn tinh tú.

Bên trong Thánh thất

Lối vào chính của Tịnh Tâm Điện có 5 bậc thềm, tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và 5 bước tiến hóa của nhân loại theo quan điểm của đạo Cao đài là Nhân, Thần, Thánh, Tiên, Phật; mục đích giúp tín đồ rũ bỏ hết những muộn phiền, lo toan; giữ cho tâm tịnh, thanh thản trước khi dâng hương.

Cửu Trùng Đài nằm giữa Chánh điện, là nơi các tín đồ quỳ lạy Thượng đế. Phía sau bức tranh Tam Thánh Cao Đài, đối diện với bàn thờ Thượng đế là bàn thờ Hộ pháp.

Các tín đồ làm lễ

Bát Quái Đài (có 8 cột trụ rồng xếp thành Bát quái) nằm phía cuối của Thánh thất, là nơi thờ Thượng đế qua hình tượng Thi nhãn.

Bát Quái Đài

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài tại Lâm Đồng kiêm cai quản Thánh thất Đa Phước, người nhập môn phải giữ 1 tháng 10 ngày ăn chay liên tục. Các tín đồ phải tuân thủ bốn điều luật răn cấm và ghi nhớ ngũ cấm giới, nếu vi phạm sẽ chịu thập hình của Đức lý giáo tông.

Đạo Cao đài chủ yếu cấm sát sinh, trộm cướp, cờ gian bạc lận, say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm linh, xảo trá, gạt gẫm người, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng thô tục, chửi rủa người...

Thánh thất tọa lạc trên đồi thông

Thánh thất Đa Phước được động thổ vào năm 1952, nhưng đến năm 2005 mới bắt đầu xây dựng và được khánh thành vào tháng 7/2010. Thánh thất tọa lạc trên đồi thông rộng 2,4ha thuộc địa bàn Phường 11. Thánh thất là một trong những cơ sở tôn giáo lớn nhất TP Đà Lạt.

Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét