9 thg 1, 2022

Cổ vật duy nhất của Hà Nội được vinh danh ở tầm thế giới

Không chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử - văn hóa hơn 300 năm của Việt Nam, cổ vật đặc biệt này còn mang một tầm vóc quốc tế nổi bật.

Ngày 9/3/2010, UNESCO đã chính thức ghi danh 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội vào danh mục Di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới”. Đây là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay, một cổ vật của Hà Nội được tôn vinh ở tầm quốc tế

Được đặt ở trung tâm của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được tổ chức trong thời Lê-Mạc, từ năm 1442 đến 1779. Trên mỗi tấm bia khắc tên những người đỗ Tiến sĩ cùng một bài văn bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của khoa thi.

Theo hồ sơ di sản, bia Tiến sĩ Văn Miếu không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử - văn hóa hơn 300 năm của Việt Nam mà còn là hiện vật mang một tầm vóc quốc tế nổi bật.

Cụ thể, từ những tấm bia Tiến sĩ, người đời sau lĩnh hội được nguồn tư liệu có giá trị để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của các sứ thần Việt Nam, cùng mối quan hệ bang giao giữa các nước vùng Đông Bắc Á.

Trong số 1.304 Tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, có 225 vị từng được cử đi sứ sang Trung Hoa vào các triều Minh (1368-1644), triều Thanh (1644-1911).

Đặc biệt, trong các nước có ảnh hưởng của Nho giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam thì chỉ có Việt Nam có bia Tiến sĩ mang nội dung phản ảnh tư tưởng chính trị, triết học, giáo dục khoa cử của triều đại.

Vì vây, thông qua 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc, có thể nghiên cứu sự phát triển, thay đổi của Nho giáo trong việc quản lý đất nước của các triều đại ở khu vực Đông Á thông qua các bài văn khắc trên bia

Về phương diện nghệ thuật, tất cả 82 bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội đều được chế tác theo cùng một phong cách: bia dẹp, hình vòm, được đặt trên lưng rùa... Rùa cũng được tạo dáng theo một phong cách chung: to, đậm và chắc khỏe

Những bài văn bia này phần lớn đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn nên về cơ bản là những tác phẩm vô giá, góp phần làm nên truyền thống văn hóa, giáo dục của Việt Nam

Trang trí trên bia rất đa dạng, phản ánh sự phát triển hình tượng nghệ thuật theo thời gian, nhờ đó mà hiểu được lịch sử phát triển mỹ thuật của Việt Nam từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Đây là những bằng chứng sống động của trí tuệ và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Việt Nam

Những bài ký trên bia Tiến sĩ được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến cho các tấm bia giống như một bộ sưu tập các tác phẩm thư pháp

Việc bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc được công nhận là Di sản tư liệu thế giới không chỉ là việc công nhận một di sản quý của dân tộc, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam – một đất nước có nền văn hiến lâu đời – với bạn bè năm châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét