13 thg 1, 2022

Bí ẩn chín khẩu đại bác cổ tại Huế được vua phong ‘Thượng tướng quân’

“Cửu vị thần công” tại Huế hiện là bảo vật quốc gia. Dưới thời vua Gia Long, 9 khẩu thần công được phong danh hiệu “Thần oai vô địch Thượng tướng quân”.

Theo các sử liệu, 9 khẩu thần công mà dân Huế thường kính cẩn gọi là “Cửu vị thần công” được làm bằng đồng, đúc từ tháng 1 đến tháng 12/1804, dưới thời vua Gia Long.

Chín khẩu thần công biểu trưng cho sức mạnh nhà Nguyễn và các vị thần bảo vệ vương triều. Đây còn là đồ tế khí dùng để trang trí và thị uy cho Kinh thành Huế thêm phần oai nghiêm. Theo các tài liệu nghiên cứu lịch sử, 9 khẩu thần công được chia làm 2 nhóm. Nhóm “Tứ thời” gồm 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu - Đông và nhóm “Ngũ hành” gồm 5 khẩu Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Mỗi khẩu thần công có chiều dài 5,1m với đường kính trong của nòng là 22,5cm.

Nguyên “Cửu vị thần công” được đặt trước Ngọ Môn - cửa chính của Hoàng thành Huế, trong hai dãy Pháo xưởng. Ngày nay, “Cửu vị thần công” với hai nhóm như nêu trên được đặt ở hai cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) và cửa Quảng Đức (cửa Sập) phía mặt nam Kinh thành Huế.

“Cửu vị thần công” được coi là tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật, kỹ thuật luyện kim và đúc đồng thời nhà Nguyễn.

Trên thân súng có khắc nhiều chi tiết hoa văn trang trí tinh xảo và các bài văn ngắn nêu lai lịch của thần công bằng chữ Hán. Chuôi thần công có khắc tên và thứ bậc của mỗi khẩu, như khẩu “Xuân” được mệnh danh là “Đệ nhất cửu vị thần uy”.

Năm 1816, Hoàng đế Gia Long sắc phong danh hiệu “Thần oai vô địch Thượng tướng quân” cho 9 khẩu thần công.

Tương truyền, ngày xưa người dân Kinh thành Huế mỗi khi đi qua các khẩu thần công đều phải ngả nón chào kính cẩn. Dân gian còn lưu truyền, “Cửu vị thần công” có cả thần lực để hòa giải cho các gia đình ly hôn, phù hộ an khang, thịnh vượng…

Du khách tham quan "Cửu vị thần công" đặt cạnh cổng Thể Nhơn

Trải qua hơn 200 năm, “Cửu vị thần công” vẫn giữ được sự nguyên vẹn, là một trong những thực thể rất có giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kỹ thuật của hệ thống di sản văn hóa Huế thuộc quần thể Di sản văn hóa thế giới.

Năm 2012, “Cửu vị thần công” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ngọc Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét