26 thg 1, 2022

Khám phá ba tòa tháp Chăm nổi tiếng nhất đất Bình Định

Tỉnh Bình Định là nơi 7 tòa tháp cổ của người Chăm tồn tại cho đến ngày nay. Trong số này có ba quần thể tháp Chăm quy mô lớn, kiến trúc hoàn mỹ.

1. Nằm trên một ngọn đồi tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tháp Bánh Ít được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 10, là một trong những quần thể tháp Chăm có số công trình nhiều nhất Việt Nam, với bốn tòa tháp mang các chức năng khác nhau.

Trên đỉnh đồi là nơi tọa lạc của tháp thờ chính (Kalan) và tháp Lửa (Kosagrha), trong đó tháp thờ (bên phải) là ngọn tháp hoành tráng và ấn tượng nhất với các cột ốp, các đường gồ nhô ra dọc các mặt tường, các cửa vòm và cửa giả hình mũi lao nhọn đồ sộ…

Chếch về hướng Đông – Nam của tháp chính, nằm ở lưng chừng đồi là tháp Bia (Porsa), một ngọn tháp có quy mô nhỏ hơn (ảnh). Ở hướng Đông của tháp thờ chính, cùng độ cao với tháp Bia là tháp Cổng (Gopura), tòa tháp từng có vai trò như cổng vào của toàn bộ quần thể tháp.

Theo các nhà nghiên cứu, tháp Bánh Ít là nhóm tháp đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp từ phong cách Trà Kiệu sang phong cách Bình Định, kết hợp hài hòa vẻ đẹp của hai xu thế: nhịp nhàng, trang nhã và khỏe khoắn, hoành tráng của kiến trúc Chăm.

2. Tháp Đôi hay tháp Hưng Thạnh là tên gọi hai ngọn tháp Chăm tọa lạc tại phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hai tháp này được gọi là tháp Bắc và tháp Nam, đứng cạnh nhau trên khu đất bằng phẳng dưới chân một quả đồi.

Trong hai ngôi tháp, tháp phía Bắc cao lớn hơn và cũng ít bị hư hại hơn. Ngôi tháp phía Nam có hình dáng, cấu trúc và trang trí giống như ngôi tháp Bắc nhưng nhỏ hơn và thấp hơn.

Cả hai đều không phải là tháp vuông nhiều tầng truyền thống của Chăm Pa mà có cấu trúc gồm hai phần chính: khối thân vuông vức, và phần đỉnh hình tháp mặt cong, mang dáng vẻ của những đền thờ Khmer thời Angkor Wat

Theo các nhà nghiên cứu, tháp Đôi có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13 trong giai đoạn phong cách Bình Định. Đây cũng là thời kỳ có sự giao lưu thường xuyên giữa Chăm Pa và vương quốc Khmer nên nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc Angkor có ảnh hưởng ít nhiều đến tháp.

3. Được đánh giá là một trong những di tích Chăm đẹp và có quy mô lớn nhất Việt Nam, tháp Dương Long có niên đại từ khoảng thế kỷ 12, được xây dựng ở khu vực giáp ranh giữa hai xã Bình Hòa và An Chánh thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay

Di tích này gồm ba ngọn tháp Chăm nằm thẳng hàng theo hướng Bắc – Nam trên một gò cao, hai tháp bên ngoài cao khoảng 30 mét đối xứng với nhau qua tháp giữa, cao 36 mét. Với chiều tương đương tòa nhà 9 tầng, tháp Dương Long là tòa tháp Chăm cao nhất Việt Nam

Giá trị của tháp Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao mà còn ở phong cách kiến trúc độc đáo. Đế tháp và các cửa giả được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu, dù đã hư hại nhiều do thời gian những vẫn toát lên vẻ đẹp tráng lệ

Căn cứ vào mặt bằng đế tháp và phong cách nghệ thuật, các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long tuy mang các đặc trưng của tháp Chăm Pa nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm nét nghệ thuật Khmer



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét