6 thg 9, 2018

Tranh kiếng Nam bộ

Ở Nam Bộ, tranh thờ ngày xưa, cực hiếm hoi là các bức chạm gỗ, phù điêu sơn son thiếp vàng và phổ biến là các bài vị khắc chữ Hán trên gỗ; kế đó là các sản phẩm cẩn xà cừ hay phổ biến là viết vẽ trên giấy hồng đơn... Đến đầu thế kỷ XX, sự xuất hiện của tranh kiếng đã cung ứng cho nhu cầu trang trí, thờ tự một loại đặc phẩm mỹ thuật thích dụng và đặc biệt, nhờ chúng có giá thành hạ nên nhanh chóng phổ biến khắp cả miền Nam, trong cả đình, chùa, đền, miếu đến tận gia đình, tiệm quán...

Nghề vẽ tranh kiếng được truyền vào Việt Nam do những di dân người Hoa vào đầu thế kỷ XX. Lúc đầu, các tiệm kiếng ở Chợ Lớn chỉ buôn bán các loại kiếng soi mặt, cắt kiếng lộng khuôn hình, lắp tủ kiếng và những loại kiếng màu xanh, vàng, đỏ để gắn khung cửa chớp, cửa gió... về sau họ còn vẽ những tấm đại tự trên kiếng thủy, chữ nhũ vàng dùng để mua tặng nhân dịp hiếu hỷ khai trương, tân gia, đám cưới, chúc thọ... và cả những bộ tranh thư họa.


Ngũ Công Vương Phật, Chợ Lớn.


Đến thập niên 1920, một số thợ vẽ tranh kiếng này theo về Lái Thiêu, cái nôi của ngành thủ công nghiệp lúc bấy giờ. Lái Thiêu thuộc Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), cách Sài Gòn-Chợ Lớn không xa, là vùng đất giàu tài nguyên, giao thương thuận tiện, lại có đường xe lửa Sài Gòn-Lộc Ninh nên nơi đây là chợ đầu mối tập trung hàng hóa bán buôn, phân phối đi khắp nơi. Nghề vẽ tranh kiếng Lái Thiêu khởi phát nhanh chóng, lại được bổ sung bằng đội ngũ họa sĩ được đào tạo từ Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một nên càng ngày càng có chất lượng hơn, chiếm được thị phần quan trọng khắp Nam Kỳ. Bấy giờ, ghe buôn tấp nập đậu chờ dưới bến lấy hàng ngày đêm... 

Sau, Cách mạng Tháng Tám bùng lên, thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương. Đầu năm 1946, quân đội Anh-Pháp tiến chiếm Thủ Dầu Một (Bình Dương), lập đồn bót, bắt bớ dân lành. Nhà tiệm đóng cửa, chợ búa không nhóm, mọi ngành nghề đều ngưng hoạt động. Nghề làm tranh kiếng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng đó. Qua Tết Bính Tuất 1946, hoạt động mua bán chợ Lái Thiêu mới hoạt động trở lại nhưng còn thưa vắng, giao thương khó khăn, trì trệ. Lúc bấy giờ, nguyên liệu để làm tranh kiếng rất khan hiếm. Đến thập niên 1950, tình hình tạm lắng, nhưng công việc làm tranh kiếng thì ế ẩm, song vẫn còn duy trì và phát tán ra các địa phương khác. Ở đây, nghề vẽ tranh kiếng vẫn được bảo lưu và duy trì bởi một số nhóm thợ vốn là học trò của những lớp nghệ nhân vẽ tranh kiếng tài hoa ngày trước, song không thịnh đạt như trước. 

Cửu Thiên Huyền Nữ, Lái Thiêu.

Về kỹ thuật, tranh kiếng là loại tranh vẽ phía sau mặt kiếng. Khi bắt đầu vẽ thì người thợ đặt tấm kiếng trên tờ giấy mẫu vẽ ngược, rồi dùng bút lông chấm mực vẽ đồ theo tờ giấy mẫu ấy, từ chuyên môn được gọi là “tách”. Người thợ tách phải có bàn tay khéo léo để nét bút được sắc sảo. Sau khi tách xong, người thợ chấm sơn tô màu theo quy định vào những ô đã tách và “tán” tức pha ô màu từ đậm tới lợt. Tô màu theo trình tự nhất định: vật thể tiền cảnh trước, hậu cảnh sau. Cuối cùng là màu phông. Rồi đem phơi khô. Sau khi tranh đã khô thì mới cẩn ốc xà cừ, dán vàng quỳ, tô nhũ kim, hay dán giấy trang kim vào phía sau bức tranh để tăng thêm phần rực rỡ. Sau cùng họ phủ thêm lớp sơn để bảo vệ rồi mới đặt vào khuôn gỗ đóng hậu, hoàn thành sản phẩm. 

Khởi thủy, nguyên liệu để vẽ tranh kiếng là màu bột pha với đồng du (dầu cây du đồng), mực tàu. Về sau người thợ vẽ dùng cả sơn tây, sơn ta, bột màu pha a dao.

Đặc điểm nổi bật trong quá trình phát triển của tranh kiếng là tại mỗi tọa độ địa lý - văn hóa, nó luôn tích hợp những nội dung mới để phù hợp với phong hóa cộng đồng dân cư, dân tộc và từ đó, mỗi dòng tranh kiếng hình thành những sắc thái riêng biệt, độc đáo.

1. Dòng tranh Chợ Lớn 


Tranh kiếng người Hoa ở Chợ Lớn có lịch sử lâu đời nhất và trước hết, chúng đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa, người Minh Hương và kế đó là người Việt. Loại tranh sản xuất ở Chợ Lớn có đặc trưng thường dùng màu đỏ, dán giấy quỳ vàng, quỳ bạc và áp dụng kỹ thuật tráng thủy tạo nên những đường nét hay nền bức tranh thường ánh lên sắc sáng bạc tăng thêm phần lung linh. Ở kỹ thuật tráng thủy, trước tiên người thợ đổ một lớp sáp lỏng lên mặt sau của tấm kiếng, chờ sáp khô rồi khắc những đường nét muốn tráng thủy lên. Việc khắc vẽ này là tạo nét đường viền, trang trí hay nhằm cạo sạch lớp sáp để tráng thủy: thực hiện phản ứng hóa học giống như phản ứng tráng gương. Dòng tranh Chợ Lớn luôn tiếp nhận những kỹ thuật mới nên có nhiều cải tiến, áp dụng các kỹ pháp tạo hình đa dạng. Đó là đặc trưng khác biệt với các dòng tranh khác. Cái hay của tranh kiếng Chợ Lớn là sự tân kỳ, song về giá trị mỹ thuật lại giảm sút, nặng về kỹ thuật. 

Tử Vi, Chợ Lớn.

Dòng tranh kiếng Chợ Lớn chủ vào tranh chúc tụng và tranh thờ. Loại tranh khánh chúc rất đa dạng về chủ đề cũng như kiểu thức thể hiện. Chúng thường được tặng vào dịp lễ Tết, mừng thọ, mừng tân gia, khai trương các tiệm quán, cơ sở kinh doanh, sản xuất.... như tranh Ngư ông đắc lợi với lời chúc Niên Niên đại lợi tặng vào dịp khai trương công việc làm ăn, cốt chúc cho chủ đạt được thành công, gặt hái nhiều lợi lộc. Còn tranh Bát Tiên biểu thị cho những điều chúc lành. Tranh Mã đáo thành công hàm ý chúc người được tặng gặt hái được thành công trong công việc, sự nghiệp... Tranh Ngũ lộ tài thần thể hiện năm vị thần tài cùng câu chúc Chiêu tài tiến bảo nhằm mong cầu giàu sang, phát tài.

Đây vừa là tranh khánh chúc vừa là tranh thờ. Loại tranh thờ, phổ biến là tranh kiếng vẽ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tranh thờ Bồ tát cùng rất nhiều đề tài hỗn hợp về các vị thần linh Hoa, Việt như Nhị phủ Bổn Đầu Công, Quan Thánh Đế Quân, Huê Quang Đại Đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Lão Tử... Quan Thánh Đế quân tức Quan Công, một nhân vật đời Tam Quốc, được coi là một võ quan trung nghĩa. Dân gian tin tưởng Quan Đế có đầy đủ vạn năng uy lực nên được xác tín là “Vạn Năng thần”.

Tranh Quan Thánh Đế vẽ mỗi Quan Công và đa phần có tùng tự Quan Bình và Châu Xương. Bộ ba Quan Đế, Quan Bình, Châu Xương tích hợp với Vương Thiên Quân và Trương Tiên Đại Đế trở thành tranh Ngũ Công Vương Phật, gồm các đối tượng đồng quyền năng tạo nên một sức mạnh phù trợ đa năng, nhiều uy lực.

Các tranh thờ nữ thần rất phong phú. Bà Chúa Ngọc, Chúa Tiên là các thần độ mạng phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng tranh kiếng Chợ Lớn. Các nữ thần bản xứ như bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Linh Sơn Thánh Mẫu (Tây Ninh) cũng được vẽ làm loại tranh thờ trên kiếng.

Tranh Ông Táo là một loại tranh thờ phổ biến khác. Ở Nam Bộ, tranh thờ Ông Táo gồm Táo Quân và hai phụ tá: Tả Mạng thần quan có trách nhiệm ghi công đức của chủ nhà và Hữu Mạng thần quan ghi chép tội lỗi của chủ nhà để Táo Quân có chứng cớ tâu báo với Ngọc Hoàng mỗi dịp về trời vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm.

Đặc trưng của dòng tranh kiếng Chợ Lớn là đề tài phong phú, đa tạp được thể hiện bằng nhiều kỹ pháp tân kỳ.

2. Dòng tranh Lái Thiêu

Dòng tranh Lái Thiêu có loại vẽ nhiều màu, tiêu biểu như màu hường, màu xanh lông két, màu trắng, màu vàng, xanh dương..., nhưng cũng có loại màu nền đen hoặc đỏ, đặc biệt các hoa văn, hình họa đều dán ốc xà cừ để tạo nên sắc trắng bạc phản quang. Sắc màu phản quang truyền thống là lớp màu điệp trong tranh mộc bản, kế đó là sản phẩm cẩn ốc xà cừ và hiện đại là tráng thủy và dán giấy trang kim đa sắc, chủ yếu là vàng kim và bạc.

Đặc phẩm của tranh kiếng Lái Thiêu là bộ tranh thờ tổ tiên: bức tranh sơn thủy vẽ núi ở hậu cảnh với dòng sông chảy ngoằn ngoèo, thấp thoáng trong khóm cây vài nếp nhà, và trung tâm là một ngôi nhà khang trang với sân vườn gần mé sông, có cây cầu bắc qua, ngụ ý nhắc câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Lái Thiêu có thể coi là xứ sở mở đầu cho loại tranh thờ tổ tiên lừng danh ở xứ Nam Bộ. Về sau, bộ tranh thờ tổ tiên có thêm đồ án cây đại thụ: gốc lớn cành lá sum suê, biểu ý “Cây có cội, nước có nguồn”.

Kỹ pháp cẩn xà cừ là đặc trưng tiêu biểu của dòng tranh kiếng Lái Thiêu cũng được thể hiện trong tranh thờ các nữ thần như Bà Địa Mẫu, Quan Âm nương nương hay các tranh thờ thần Độ Mạng như Bà Chúa Tiên độ mạng cho nữ có tuổi thuộc can Canh-Tân, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ độ mạng cho nữ giới có tuổi thuộc can Giáp-Ất, Nhâm-Quý; Chúa Ngọc Thần độ mạng cho nữ có tuổi thuộc can Bính-Đinh...

Tranh thờ tổ tiên, Bà Vệ (An Giang) nhưng ký là tranh Lái Thiêu

Dòng tranh Bà Vệ

Dòng tranh Bà Vệ thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang ra đời muộn. Tục truyền, từ xưa ở bến sông ghe thuyền qua lại, có một phụ nữ bán bánh và một số hàng nhật dụng cho những người qua lại đường sông. Đó là Bà Vệ. Sau, nơi đó thành chợ - gọi là chợ Bà Vệ, rồi dần dà trở thành địa danh chỉ vùng đất bao quanh ngôi chợ làng nhỏ nhoi ấy.

Tranh kiếng Bà Vệ hình thành khi tranh kiếng Lái Thiêu, đặc biệt là tranh thờ tổ tiên, chiếm thị phần chính ở Nam Bộ. Bởi vậy, trên những bức tranh kiếng Bà Vệ buổi đầu, mặc dù không mang một đặc điểm gì của tranh kiếng Lái Thiêu vẫn thấy hai chữ “Lái Thiêu” ở phần dưới tranh, hẳn là để... nhái thương hiệu.

Tranh kiếng Bà Vệ khởi phát từ những năm 1950. Người trực tiếp đưa nghề vẽ tranh kiếng về xứ này là ông Trần Văn Tú. Ông học nghề vẽ tranh kiếng ở Cần Thơ theo trường phái Lái Thiêu. Từ đó, nghề vẽ tranh kiếng được nhiều người học theo trở thành làng nghề tranh kiếng.

Các đề tài trong tranh Bà Vệ rất phong phú và khá đặc biệt. Ở dòng tranh thờ thần Phật, được nói nhiều là bức“xà lanh” treo trên xà ngang, chạy dài suốt ba gian của ngôi nhà có nội dung kể về các kỳ tích trong cuộc đời Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Tranh kiếng tuồng tích cũng là một “phát minh” của dòng tranh Bà Vệ, được cho là sáng tạo của nghệ nhân Trần Văn Ty (Mười Ty) vào khoảng năm 1954. Ông được xem là người sáng tác ra loại tranh treo cửa buồng theo tích Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ... Dòng tranh trang trí cũng là một đặc sản khác của tranh Bà Vệ, phổ biến với các bộ tranh tứ bình, tranh treo cửa buồng hay vẽ cảnh sắc thôn quê với ngôi nhà gạch khang trang, cây cầu bắc ngang cho thấy sự giàu sang, “phú quý vinh hoa”, hoặc trẻ mục đồng cưỡi trâu thổi sáo, cảnh tượng thanh bình nơi thôn dã... Nói chung ở thể loại tranh trang trí, đề tài mở rộng không cùng, song tất cả đều chứa nội dung mong ước sự an bình, mọi việc được cát tường như ý. 

Tranh Gà đàn, Lái Thiêu, sưu tập Nguyễn Anh Kiệt.

Dòng tranh Khmer

Dòng tranh Khmer tập trung ở hai khu vực có đông người Khmer sinh sống là Trà Vinh và Sóc Trăng, trong đó tranh kiếng Khmer Trà Vinh ra đời vào khoảng những năm 1935, 1936, còn làng tranh kiếng Phú Tân (Sóc Trăng) ra đời muộn hơn một chút và còn tồn tại đến nay.

Một chủ đề được quan tâm hàng đầu ở tranh kiếng Khmer là tranh thờ tổ tiên, tranh “Ông, Bà” (tranh “Donta”), trong đó các nhân vật phải mặc trang phục Khmer truyền thống như xàm pốt, áo cổ vuông, quàng khăn rằn hoặc khăn “sen sầm nak tho” màu trắng chéo trước ngực.

Loại tranh này thường vẽ sẵn trên kính hình ảnh một người phụ nữ hoặc nam giới Khmer mặc y phục truyền thống, có đầu nhưng không có mặt. Khi có ai đặt vẽ chân dung ông bà, cha mẹ thì mới vẽ thêm khuôn mặt vào bức tranh có sẵn. Trong tranh các cụ già mặc trang phục trang trọng ngồi trên chiếc ghế bọc nệm hoặc ghế gỗ chạm trổ, bên cạnh là chiếc bàn nước nhỏ phủ khăn trắng, trên bàn đặt bộ ấm trà, bình hoa sặc sỡ. Phía sau là khung cửa sổ có treo rèm. Nền nhà lát gạch hoa... Ngoài tranh thờ tổ tiên, người Khmer có tập quán thờ Phật, đa phần người ta thờ tranh vẽ Phật, ít khi thờ tượng. Tranh Phật để thờ là Đức Phật lịch sử, tức Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều kiểu hình họa khác nhau dựa vào các kỳ tích lấy từ tiểu sử của Đức Phật. Một đặc phẩm của tranh kiếng Khmer là tranh Witsowan trấn trạch. Đây là Tỳ Sa Môn Thiên Vương thống quản phương Bắc, chủ tướng của bộ chằn Dạ xoa (yasha) rất uy mãnh. Loại tranh này có nhiều “dị bản” tùy theo từng nghệ nhân. Do đó, đề tài này là một tập thành mỹ thuật đặc biệt độc đáo.

Witsôwan trấn trạch, Khmer.

Điều rất dễ nhận thấy là tranh kiếng, tranh tường và tranh vẽ trên vải Khmer có sự tương đồng về chủ đề, hình tượng, phong cách tạo hình và thị hiếu về màu sắc. Chúng ta có thể xác định rằng tranh tường có điểm khởi phát trước nhất rồi mới đến tranh vải, và kế tiếp là tranh kiếng vì chất liệu kiếng/thủy tinh là rất hiếm vào thời xưa. Chỉ mới sau này, khi trình độ kỹ thuật phát triển con người mới tạo nên kiếng. Và những tấm kiếng này thời đó là rất quý hiếm. Phải đến gần đây thì kiếng mới sản xuất đại trà và việc vẽ tranh trên kiếng mới thịnh hành. Rồi khi tranh kiếng đã lần lượt giành lấy vị trí vốn có của các loại tranh thờ vẽ trên các chất liệu truyền thống, nó không ngừng khai thác kho tàng dữ liệu phong phú của di sản mỹ thuật Phật giáo Tiểu thừa cho sáng tác của mình. Do vậy mà ngày nay, tranh kiếng Khmer có đủ loại đề tài truyền thống, từ các kỳ tích của Đức Phật lịch sử đến các sự tích rút từ Phật thoại, kinh bổn sanh Jataka đến các bộ long thần, hộ pháp..., được thể hiện bằng kỹ pháp vẽ tranh dân gian đơn tuyến bình đồ với không gian phẳng hai chiều lẫn kỹ thuật vờn màu, tạo khối và cả tranh vẽ theo kỹ pháp hiện đại, xử lý tốt hiệu ứng ánh sáng tạo nên các bức tranh ba chiều sinh động.

Nghệ nhân Khmer với phong cách đa dạng, kỹ pháp điêu luyện đã tạo nên những tác phẩm tranh kiếng đặc sắc. Tuy cùng chủ đề Đức Phật và các tích chuyện tiền kiếp Đức Phật nhưng không bức tranh của nghệ nhân nào giống nghệ nhân nào. Bên cạnh đó, khi nhìn vào những bức tranh kiếng Khmer, chúng ta vẫn có thể phân biệt ngay chúng với những dòng tranh Huế, Chợ Lớn, Lái Thiêu và An Giang. Mỗi dòng tranh kiếng với những đặc trưng riêng đã hình thành nên một tập đại thành mỹ thuật đồ sộ mang sắc thái riêng của mỗi cộng đồng dân cư, dân tộc góp phần làm phong phú cho bảng màu đa dạng của văn hóa Việt Nam

Bài: Huỳnh Thanh Bình. Ảnh: Tư liệu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét