6 thg 9, 2018

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy

Trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu có câu:

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào

và câu

Hỡi ôi, con sông Phụng Hiệp nó chảy ra bảy ngả, mà sao lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng. 


Bạn thấy có gì lạ không? Ngã Bảy thì dấu ngã, còn bảy ngả thì dấu hỏi!

Tui nói thiệt nghe, hồi nào tui vẫn quen viết chữ Ngả với ý nghĩa là hướng đi bằng dấu hỏi. Thí dụ như: Mỗi người đi mỗi ngả, Đôi ngả chia ly, Đường đời trăm ngả... Nhưng khi viết ngã ba, ngã tư, ngã bảy... thì lại viết dấu ngã (chắc chắn cách viết này đúng, vì có rất nhiều địa danh mang dạng Ngã x, và được thấy viết dấu ngã trên rất nhiều văn bản, bảng tên đường, bảng hiệu...).

Chợ Ngã Bảy ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang

Rãnh rỗi, ngồi ngẫm nghĩ, tui thấy rằng trong cả 2 trường hợp trên chữ ngả hoặc ngã đều mang ý nghĩa là hướng đi. Tức là giống nhau! Mà đã giống nhau thì phải là cả 2 cùng dấu hỏi hoặc cùng dấu ngã chớ, sao lại một đứa dấu hỏi, một đứa dấu ngã? Đứa nào sai?

Lại tra từ điển. Hóa ra hai trường hợp đều đúng. Nếu là bảy ngả thì phải viết dấu hỏi, còn ngã bảy thì viết dấu ngã. Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học) giải thích rõ thêm rằng: Ngã dùng trước từ chỉ số, chỉ chỗ có nhiều ngả đường, ngả sông tỏa đi các hướng khác nhau.

Như vậy, ngã ba, ngã bảy... viết dấu ngã vì theo sau nó là từ chỉ số.

Biết quy tắc vậy rồi, để khỏi sai chính tả rồi, nhưng nếu bây giờ ai cắc cớ hỏi tiếp: Sao lại quy ước sau chữ Ngã là từ chỉ số thì nó phải viết dấu ngã? thì tui... bí. Ai biết trả lời dùm đi?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét