18 thg 9, 2018

Đầu làng có một Thánh đường

Buổi sáng thức dậy ở một vùng giáp biên. Chưa kịp tận hưởng cảm giác một mình bơ vơ xứ lạ thì đã thấy ngỡ ngàng khi trước mặt là một Thánh đường Hồi giáo. Là tôi đang lọt thỏm giữa làng Chăm Đa Phước, một cộng đồng người hồi giáo ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Một giờ lễ ở Thánh đường Ehsan. Ảnh: H.V.M 

Ehsan – tên của Thánh đường Hồi giáo – mái nhà tâm linh và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của hơn 2.000 người dân làng Chăm Đa Phước có dáng dấp như hầu hết những Thánh đường và tiểu Thánh đường Hồi giáo khác ở Việt Nam và trên thế giới. Thánh đường xây theo hướng Đông - Tây để khi quỳ lạy tín đồ hướng về phía Thánh địa Mecca

Thánh đường Ehsan cũng tôn trọng những quy định chung về kiến trúc và cách bài trí bên trong với biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết. Các cửa và nóc hình vòm.

Màu chủ đạo là màu trắng. Đặc biệt, bên trong Thánh đường lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng và thoáng mát nhờ dãy hành lang rộng xung quanh, mái vòm cao và nhiều cửa sổ lớn.

Du Số - một trong những người hiếm hoi không “thoát ly” mà ở nhà làm cán bộ. Ảnh: H.V.M 

“Mẫu hệ nhưng mà… bình đẳng”

Tôi đến gặp lúc khoảng hơn 30 người đàn ông quấn xà rông “thướt tha” và sơ mi trắng đang hành lễ sáng. Một ngày của một người Hồi giáo nơi đây gần như bị Thánh đường lấy hết thời gian với 5 lần lễ chia đều từ sáng đến tối.

Loay hoay với vai khách lạ tham quan một hồi, tôi đánh bạo làm quen với một người đàn ông tên Du Sô sa la hud din. Đó là tên của một vị thánh trong kinh Coran, nghĩa là tài năng và mạnh khỏe. Thấy tôi loay hoay ghi và đánh vần cái tên, anh bảo thôi cứ gọi anh là Du Số cho tiện. “Tất cả người dân ở đây đều dùng tên các vị thánh để đặt tên cho con cái”.

Bất ngờ khi biết Du Số là một vị thánh. Và bất ngờ hơn, vị thánh này đang là Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đa Phước. Du Số là một trong không nhiều người dân Đa Phước tốt nghiệp 12, có bằng trung cấp kế toán nhưng không “thoát ly” mà ở nhà làm cán bộ. Tất nhiên là cán bộ, nhưng Du Số cũng xà rông “thướt tha” khi đến trụ sở theo đúng phong cách ăn mặc truyền thống của người Chăm.

Làng Chăm Đa Phước đến giờ vẫn là một cộng đồng Hồi giáo thu mình khép kín với chung quanh. Họ vẫn duy trì chế độ “mẫu hệ nhưng mà… bình đẳng” nói như lời Du Số. Và ngay cả bản thân Du Số, vừa mới đây lấy vợ nhưng vẫn theo truyền thống mai mối của cha mẹ. “Vợ em là do ba mẹ và chị gái chọn và cho mãi đến ngày cưới em mới biết mặt mũi vợ như thế nào”. Hỏi thế có như hình dung và thất vọng không? Du Số cười cười: “Nói chung thì cũng được”.

Gia đình Du Số. Ảnh: H.V.M 

Du Số - cán bộ xã là một ví dụ về mối liên hệ giữa cộng đồng với bên ngoài. Hay như cô bé xinh đến ngẩn ngơ tên Akylah con ông chủ quán cà phê duy nhất ở đầu làng năm nay học lớp 11, và kiên quyết xấu hổ đến cùng khi từ chối không cho tôi chụp ảnh chung dù ông anh Du Số đã trình bày.

Cô bé tâm sự với Du Số ước mơ của con là “sau này em sẽ thi vào ngành Y để cứu người”. Du Số bảo cộng đồng của anh, hiện cũng có một số người đi học rồi “thoát ly” ra ngoài làm bác sĩ, y tá, giáo viên… “nhưng đáng tiếc vẫn chỉ là thiểu số”.

Thánh đường Ehsan cũng có thể coi là một mối liên hệ khi cùng với một “khu du lịch” – nơi trưng bày các khung dệt thổ cẩm và 2 điểm bán hàng lưu niệm là những sản phẩm truyền thống của người Chăm - là điểm đến của nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài.

Thánh đường Ehsan. Ảnh: H.V.M 

Theo Du Số thì bình quân mỗi tháng có khoảng 3.000 lượt du khách đến với làng Chăm Đa Phước. Ngoài ra làng Chăm Đa Phước có 2 bến thuyền phục vụ đưa, rước khách tham quan. Một kiểu làm du lịch hoang sơ, tự phát kiểu làng xã. Và tất nhiên nguồn thu mang về cho người dân cũng không bao nhiêu so với thời gian và công sức họ bỏ ra để tiếp khách.

Làng cổ hơn 120 năm

Một bộ phận không nhỏ người dân lại thường xuyên ra ngoài làm ăn, buôn bán ở khắp nơi trong nước và sang tận Malaysia. Lạ nữa là người Chăm Đa Phước hiện nay có rất nhiều người thân, bà con… ở Malaysia và trong làng cũng có rất nhiều người thanh niên sang Malaysia “du học” về đạo sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học trong nước. Điều này khiến tôi không thể không đặt câu hỏi làng Chăm Đa Phước, họ là ai, từ đâu tới và tới bao lâu?

Nhưng Du Số và những chức sắc trong Ban Giáo cả của Thánh đường Ehsan và cả những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương chỉ trả lời được vế sau: Khoảng hơn 120 năm! Còn họ là ai, họ từ đâu tới thì tất cả đều mơ hồ. Một số người thì mơ hồ bảo nghe đâu tổ tiên họ từ ngoài miền Trung…

Một góc làng Chăm Đa Phước. Ảnh: H.V.M 

Theo nhiều cứ liệu lịch sử thì đúng tổ tiên của người Chăm Đa Phước hiện nay là người Chăm ở miền Trung từ xa xưa. Sau đó họ di cư sang sinh sống tại Chân Lạp (Campuchia). Khi sang đến Chân Lạp, họ đã chuyển sang đạo Hồi và sống cộng cư cùng người Mã Lai Hồi giáo bản địa.

Mãi đến giữa thế kỷ 19, khi người Pháp thống trị ở toàn vùng Đông Dương, nhiều tín đồ đạo Hồi người Chăm đã di cư ngược từ Campuchia vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam như bây giờ.

Đáng chú ý là khi người Chăm từ Chân Lạp về Tây Ninh và An Giang định cư, họ mang theo Hồi giáo có sẵn từ Chân Lạp về. Họ là cộng đồng theo Hồi giáo Chăm Islam, thuộc dòng Sunni, ít bị pha trộn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo Campuchia và Malaysia. Người Chăm cũng thường tìm sang Malaysia tu học giáo lý và tiếp nhận tư tưởng đạo Hồi qua sự diễn dịch của người Hồi Mã Lai.

Theo Du Số, về giáo lý, hiện tín đồ đạo Islam ở làng Chăm Đa Phước luôn giữ gìn nghiêm ngặt những quy định về giáo lý, giáo luật của Hồi giáo chính thống, thể hiện qua việc thực hành nghiêm túc 5 cốt đạo.

Hàng năm họ có nhiều ngày lễ khác nhau như: kỷ niệm ngày sinh của Thiên sứ Mohammad, ngày Mohammad trở về thánh địa Mecca, thánh lễ ngày thứ 6 hàng tuần, lễ trong tháng chay Ramadan, lễ hành hương về thánh địa Mecca, lễ đón năm mới theo Hồi lịch.

Thật ra thì tôi là ai, tôi từ đâu đến giờ cũng không phải là chuyện gì quá to tát với cộng đồng người Chăm Đa Phước. “Thánh Ala đã tạo ra thế giới, mình phải biết tôn kính và chấp nhận” là câu “khẩu nhiệu” từ kinh Coran được cắt dán trang trọng ở ngay cửa chính của từng ngôi nhà trong cộng đồng.

Và bao nhiêu năm hay họ đã sống rất an vui cùng với Thánh đường và những vị Thánh đã và đang hiển linh qua những phận người…

Hiện nay tại Việt Nam có 41 thánh đường, 19 tiểu thánh đường Islam, tập trung nhiều nhất ở An Giang. Những người theo đạo Islam ở Việt Nam hiện nay có khoảng 26.000 tín đồ và 288 chức sắc Islam.

“Cha chó, mẹ heo” (heo là hiện thân của mẹ, chó là hiện thân của cha) – người Chăm Đa Phước nói riêng và cộng đồng Hồi giáo Islam nói chung ở Việt Nam quan niệm như vậy nên họ không ăn thịt heo, thịt chó mà chỉ ăn thịt bò.

Món ăn truyền thống mang bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của họ là cà ri (xuất xứ từ Ân Độ) và cà púa (từ Thái Lan).

Tường Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét