10 thg 9, 2018

Chuyện cái bánh ở miền Tây

Do cách phát âm có phần... dễ dãi của mình, có nhiều từ viết khác nhau nhưng người miền Nam đọc y chang nhau. Với những từ phổ thông, quen thuộc thì dù đọc có giống nhau nhưng dễ dàng phân biệt được, như con vịt khác với dịch thuật, bởi vì khác với bà dì khác với cái gì... Tuy nhiên, với các từ địa phương thì rắc rối hơn nhiều, vì người dân chỉ thường nói từ đó chớ không viết, đến chừng viết thì không biết viết sao cho đúng, vì không thể đối chiếu với từ đó ở miền khác.

Một trong những trường hợp như thế là tên các loại bánh địa phương. Xin kể cho vui vài loại bánh như sau:

1. Bánh cóng hay bánh cống?



Bánh cóng (hoặc cống) là một món ăn quen thuộc ở miền Tây Nam bộ. Bánh được làm từ bột gạo, thịt heo, hành lá xắt nhỏ, đậu xanh luộc chín trộn đều với nước dừa, cho gia vị muối, đường, bột ngọt vào..., đổ bột và các gia vị trên vào một cái khuôn, để một hai con tép đất trên mặt rồi cho vô chảo dầu đang sôi ngập mặt bánh đến khi chín vàng thì vớt ra. Bánh ăn với rau sống, chấm nước mắm chua ngọt.

Người ta gọi lẫn lộn tên bánh là cóng hoặc cống. Ghi tên trên bảng hiệu cũng không thống nhất, nơi thì cóng, nơi thì cống.

Có người giải thích rằng phải gọi là bánh cóng (không có ô) mới đúng, vì cái vật dùng để đổ bánh gọi là cái cóng, nhưng không phải ai cũng chịu nghe. Xin coi thêm bài này nghe: Chuyện bánh cóng.


2. Bánh tằm hay bánh tầm?

Bánh tằm có nhiều thứ lắm. Bánh tằm ngọt thì có bánh tằm khoai mì. Bánh tằm mặn có bánh tằm bì. Ở Cà Mau có bánh tằm cay, loại này lại gồm có bánh tằm cà ri gà, bánh tằm cà ri dê, bánh tằm xíu mại...

Bánh tằm cà ri

Vấn đề là tằm hay tầm?

Nói về loại bánh này có nơi ghi bánh tằm, có chỗ viết bánh tầm. Thậm chí, trên Wikipedia có 2 bài khác nhau viết về bánh tằm và bánh tầm (mà thực tế khi đọc ta biết là mô tả cùng một thứ bánh). Trên mạng, có khi cùng một bài viết, chỗ thì ghi bánh tằm, chỗ lại ghi bánh tầm.


Chắc là bánh tằm thì đúng hơn, vì được dùng nhiều hơn, vả lại có giải thích là giống con tằm. Nhưng nói vậy gọi bánh tầm cũng chưa chắc là sai, miễn là ta biết nói đến món ăn gì và biết rằng đó là món ăn ngon chớ không phải bánh... tầm bậy! 
Xin coi thêm bài này nghe: Kính thưa các loại bánh tằm.

3. Bún gỏi già hay và hay dà?

Bún gỏi dà (già/và) là một loại món ăn đặc sản của Sóc Trăng. Ngay cái tên món ăn này đã là quái chiêu rồi.

Thứ nhứt, bún là bún, gỏi là gỏi. Nếu là gỏi cuốn, có bỏ sợi bún trong đó thì ok, vụ này biết. Nhưng nếu là tô bún mà bỏ cuốn gỏi vô, hay là bỏ gỏi (nộm) vô thì hơi kỳ à nha! Rốt cuộc, bún gỏi là sao?

Tô bún gỏi dà Sóc Trăng

Thứ hai,  là sao? Người miền Nam đọc 3 chữ dà, già, và y chang nhau. Vậy nó là bún gỏi gì? Bún gỏi dà, bún gỏi già hay bún gỏi và? Và nếu là chữ nào trong 3 chữ đó thì tại sao lại có tên như vậy?

Chữ dà có vẻ thắng thế hơn, khi đa số bảng hiệu ở Sóc Trăng đều ghi là Bánh gỏi dà. Tuy nhiên, về giải thích tên gọi thì chữ và được giải thích là bỏ các thứ bún, thịt, tép, rau… vô tô rồi ăn như  cơm, chữ già được giải thích là do món ăn xuất xứ từ Java, còn chữ  là gì thì... hổng biết! Xin coi thêm bài này nghe: Bún gỏi dà và già Sóc Trăng

Bánh giá hay bánh vá?

3 món ăn trên tui đã ăn rồi, cho nên kể lại được, riêng món bánh giá/vá này tui chưa có dịp ăn. Do vậy những điều tui kể sau đây là do góp nhặt bốn phương thôi.

Bánh giá là một món ăn nổi tiếng (nhưng bình dân) ở chợ Giồng, Gò Công. Nổi tiếng đến mức có những câu ca dao về nó, như:

Anh ơi về tới Hòa Đồng
Nhớ mua bánh giá Chợ Giồng tặng em!

hay

Một mai em gái theo chồng
Còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh



Bánh này tương tự như bánh cóng (hoặc nếu bạn sống ở Hà Nội thì xem nó tương tự như bánh tôm Hồ Tây). Người ta chiên bánh trong một chảo mỡ heo. Dùng một cái  múc bột gạo, rồi cho thịt heo, gan heo xắt miếng, nấm rơm, nấm mèo vào, rồi phủ lên một lớp giá đậu xanh, sau đó phủ tiếp một lớp bột gạo rồi bỏ mấy con tôm tươi lên mặt bánh trước khi cho vào chảo để chiên.

Bạn có đọc kỹ đoạn tả cách làm bánh giá/vá ở trên chưa? Vì bột được múc bằng cái vá, cái vá này coi như khuôn bánh luôn, cho nên bánh này được gọi tên là bánh vá. Cũng như bánh cóng sở dĩ có tên như vậy vì bột làm bánh được múc bằng cái cóng.

Nhưng đọc lại lần nữa coi sao? Bánh có phủ lên một lớp giá đậu xanh, vì vậy tên nó phải là bánh giá.

Trong 2 cách giải thích này, cách gọi bánh vá nghe có vẻ hợp lý hơn, nhưng trên thực tế thì cách gọi bánh giá lại thông dụng hơn.

***
Tui kể mấy chuyện này ra chỉ để cho vui thôi, không nhằm truy tìm xem chữ nào đúng, lại càng không liên quan đến vụ cải cách đánh vần, cải cách chữ viết ì xèo mấy bữa nay. Quan trọng là ta có món ăn, gọi một cái là người bán hiểu liền, và ăn ngon. Phải hông các bạn?

Dà, cho tui một tô gỏi dà. Dà, cảm ơn!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét