25 thg 9, 2018

Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương và án oan của Thoại Ngọc Hầu

Trung tâm thành phố Châu Đốc (An Giang) và di tích miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam nối với nhau bằng một con đường có cái tên rất lạ là Tân Lộ Kiều Lương. Ít người biết rằng, cách nay gần 200 năm muốn đến núi Sam, người dân phải chèo xuồng vượt qua lau sậy và con đường này gắn liền với một án oan của Thoại Ngọc Hầu.

Tân Lộ Kiều Lương/ Thoại Ngọc Hầu ngày nay. Ảnh: H.V.M 

Theo sử liệu, trong thời gian Thoại Ngọc Hầu trấn thủ Vĩnh Thanh, sau khi đắp thành Châu Đốc (1816) và đào kinh Vĩnh Tế (1819-1824), ông tiếp tục cho đắp một con lộ từ Châu Đốc đến chân núi Sam vào năm 1826 và hoàn tất vào năm 1827 để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Con lộ này có chiều dài gần 5km bề ngang hơn 5m chạy từ ngã ba sông Châu Đốc nơi có đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (đình Châu Phú) đến chân núi Sam tên là “Châu Đốc Tân lộ Kiều lương”.

Tân Lộ Kiều Lương sau gần 200 năm 

Tên gọi Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương bởi vì trên đường từ đình Châu Phú đến chân núi Sam có 4 cây cầu lót bằng ván để xe ngựa có thể qua lại dễ dàng. Tại những cây cầu này, người dân thu hoạch lúa từ cánh đồng Vĩnh Tế và khu Tứ Giác Long Xuyên có thể cập xuồng vào để vận chuyển lương thực.

Sau khi con lộ hoàn thành, Thoại Ngọc Hầu đã cho dựng tại chân núi Sam tấm bia “Châu Đốc Tân lộ Kiều Lương” để ghi kỷ niệm ngày con lộ mới ra đời. Tiếc thay tấm bia đã bị vỡ, người ta chỉ tìm được một mảnh dầu bia còn được bốn chữ “ Châu Dốc tân lộ…..” gần lăng Thoại Ngọc Hầu.

Đây là một áng văn mô tả việc đắp con lộ Châu Đốc và sự cực khổ của người dân trong vùng. Đặc biệt, trong bài bi ký này có một chi tiết rất lạ là Thoại Ngọc Hầu chỉ xin “lệnh trên” phê chuẩn chủ trương làm đường.

Còn chi phí do ông lấy từ bổng lộc cá nhân và các quan viên lân cận quyên góp, nhân dân hỗ trợ sức người và xe cộ... Và cuối bài bi ký ông chỉ khiêm tốn nhận xét việc mình làm rằng: “Làm việc ấy chính là đã tỏ chút lòng đền đáp của kẻ chăn dân”.

Sau gần 200 năm, tấm bia ký đã hòa mình vào gió bụi biên cương nhưng Tân Lộ Kiều Lương thì vẫn còn đó với 8 làn xe và 2 tên đường khi đoạn xuất phát ở trung tâm thành phố Châu Đốc có tên là Nguyễn Văn Thoại.

Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam. Ảnh: H.V.M 

Và dù là Tân Lộ Kiều Lương hay Nguyễn Văn Thoại thì con đường này cũng gắn liền với một sự kiện lịch sử đặc biệt. Bởi chính Tân Lộ Kiều Lương là một trong những lý do khiến sau khi qua đời, Thoại Ngọc Hầu bị dinh vào một án oan và bị vua Minh Mạng Minh Mạng xuống lệnh tịch thu gia sản, rồi truy giáng ông từ hàm nhị phẩm xuống thất phẩm, tước quyền tập ấm của con trai, bao nhiêu gia sản đều sung công.

Dù trước đó năm 1829, khi Thoại Ngọc Hầu qua đời, ông không những được truy thăng chức vụ, thưởng thêm nhiều tiền và gấm lụa, mà con trai trưởng còn được tập ấm chức Ân kỵ úy.

Chuyện là một ngày đẹp trời, quan Thị lang Tào Hình Bộ là Võ Du đi dò xét tình trạng dân Chân Lạp trở về đã báo cáo với quan Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt rằng Nguyễn Văn Thoại khi lĩnh chức Bảo hộ, ngày thường bắt dân Chân Lạp đi lấy gỗ táu đem nộp mà không cấp tiền và gạo, lại bắt dân Chân Lạp đắp đường cái (Tân Lộ Kiều Lương) để phục vụ việc đưa tang vợ từ Châu Đốc ra núi Sam…

Lê Văn Duyệt đem lời tố cáo ấy tâu lên triều đình, lập tức vua Minh Mạng ra lệnh tịch thu gia sản và giao cho Bộ Hình nghiêm trị. Vụ việc này khiến Minh Mạng ghét Thoại Ngọc Hầu đến nỗi vào tháng 7 năm 1830, khi một vị quan ở Gia Định dâng sớ xin cấp phu trông coi mộ ông, nhà vua thẳng thừng từ chối.

Chưa hết, tháng 3.1838, Nguyễn Văn Quang (là cháu họ của Nguyễn Văn Thoại, đồng thời là cháu nội của Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ Nguyễn Văn Bình) đã cùng Lê Văn Sơn (cháu họ của Lê Văn Duyệt) đang là tù phạm bị giam ở ngục tỉnh Gia Định, bàn mưu vượt ngục chiếm giữ thành phản lại triều đình. Mấy người này sau đó bị bắt, bị kết án xử tử lăng trì. Lần này thì Thoại Ngọc Hầu liên luỵ, bị triều đình lấy lại các sắc dụ đã cấp và bị tước luôn hàm Chánh ngũ phẩm...

Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông ở chân núi Sam. Ảnh: H.V.M 

Thực tế thì lịch sử đã chứng minh những lời của Võ Du là vu cáo, không có cơ sở nhưng phải đến thời Khải Định, tức gần 90 năm sau, Thoại Ngọc Hầu mới được minh oan, danh dự của ông mới phục hồi khi được phong thần (Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần).

Chuyện án oan của Thoại Ngọc Hầu có gì đó hơi buồn cười khi vua Minh Mạng và cả Tổng trấn Lê Văn Duyệt thời đó chỉ nghe tâu một chiều mà không cần suy xét. Nhưng ngẫm lại thấy cũng chẳng có gì lạ khi ngay cả văn minh và hiện đại như bây giờ, vẫn đầy rẫy án oan chồng án oan mà đôi khi chẳng có “đèn giời” nào soi tới…

Từ Ân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét