27 thg 9, 2018

Lễ cầu mưa của người Cor

Trong đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Cor, lễ cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng, có từ rất lâu. Đây là một nghi lễ truyền thống, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cây cối sinh chồi nảy lộc, đâm hoa kết trái. Bên cạnh đó, nghi lễ cầu mưa còn thể hiện khát vọng sống của người Cor về ước mong xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, ấm no, gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc.

Người Cor cầu mưa, cầu no ấm


Già làng Hồ Văn Nghĩa (76 tuổi), thôn 3, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), cho biết: “Lễ cầu mưa, là một lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực, được diễn ra trong thời gian hạn hán kéo dài nhiều tháng. Từ bao đời nay, cuộc sống của người Cor còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, họ tin thần linh phù hộ sẽ đáp ứng mong muốn nếu họ thực tâm nguyện cầu”. Hằng năm, vào khoảng tháng 6 (âm lịch), sau khi dọn sạch rẫy cũ, việc gieo trồng lúa rẫy và hoa màu của mùa vụ đã xong, người Cor tổ chức lễ cầu mưa, để hạt giống nảy mầm, cây cối xanh tươi và phát triển tốt. 

Những người già dân tộc Cor am hiểu phong tục tập quán thực hiện trang trí và dựng cây nêu chuẩn bị lễ cầu mưa của làng. 


Để lễ cầu mưa diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, già làng và thầy cúng họp bàn với bà con trong làng thống nhất việc chọn ngày lành tháng tốt và các khoản đóng góp lễ vật, cách thức tổ chức lễ hội. Tuỳ vào mức độ hạn hán của năm đó và điều kiện của từng nhà, từng làng, lễ vật có thể nhiều hay ít, mà tổ chức lễ cầu mưa lớn hay nhỏ. Nhưng nhất thiết phải có một con gà trống, 1 chén gạo, xôi, thịt lợn, trầu, cau, chai rượu, bánh lá đót, cơm lam. Sắn luộc là lễ vật không thể thiếu của người Cor - Đây là nông sản chính của đồng bào, tượng trưng cho mùa màng bội thu. Ngoài ra, lễ vật cũng không thể thiếu sản vật khô là một con nhím hoặc sóc. Việc tiến hành nghi lễ cầu mưa được tổ chức tại nơi dựng cây nêu ngay sân trung tâm của làng.

Độc đáo nghi thức “cầu mưa”

Theo quan niệm của người Cor, trước khi làm lễ cầu mưa, tất cả mọi người dân trong làng phải có mặt đầy đủ. Thầy cúng dẫn đoàn người trong làng ra làm lễ cúng thổ địa và thần nước tại bến nước của làng. Lễ cúng được tổ chức vào giữa trưa. Lễ vật được chuẩn bị xong, bốn vị già làng uy tín nhất mặc trang phục truyền thống sẽ đại diện cho cả làng đứng ra làm lễ, trong đó một già làng là thầy cúng chính. Khi âm thanh của trống và chiêng nổi lên, thầy cúng cầm con gà trống đã luộc chín rồi cùng các già làng ngồi khấn.

Nội dung lời khấn phải thể hiện sự cầu mong tha thiết để gửi tới các vị thần. Lời khấn bằng tiếng Cor, có đoạn: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, người Cor có mâm lễ xin dâng lên thần núi, thần sông, thần thổ địa, ông bà tổ tiên về ăn uống, hưởng đồ lễ của bà con trong làng. Khi ăn no, uống đủ hãy phù hộ cho dân làng năm này mưa thuận gió hòa, cho cây rừng xanh tươi để nguồn nước các khe, các suối chảy về phục vụ tưới tiêu ruộng đồng, hãy phù hộ không cho xảy ra lũ lụt, xói mòn, thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của bà con trong làng, để bà con tỉa lúa rẫy cho nhiều hạt, trồng cây sắn lên xanh tốt, nhiều củ, sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng được bội thu”, trong tiếng hò reo vui của cộng đồng. 

Thầy cúng Hồ Văn Nghĩa cùng các già làng đang thực hiện bài cúng mời thần linh trong lễ cầu mưa. 

Sau khi thực hiện nghi lễ cúng thổ địa và thần nước, người Cor tiến hành lễ cúng trong nhà, sau đó là cúng ngoài sân tại cột cây nêu. Trong nghi lễ ngoài sân, già làng đóng vai trò chủ lễ (thầy cúng), dẫn đầu đoàn đi vòng quanh cây nêu thực hiện nghi thức dâng lễ với ngưỡng vọng cầu các thần linh cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm, vật nuôi đầy đàn.

Ngày hội chung của dân tộc Cor

Lễ cầu mưa diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ, nhộn nhịp, những nét đẹp truyền thống được biểu đạt trong lễ và sự thành kính với các vị thần linh. Nếu phần lễ được thực hiện trang nghiêm theo nghi thức cúng tế truyền thống, thì phần hội được diễn ra tưng bừng, náo nhiệt. Những thiếu nữ Cor trong sắc màu rực rỡ của những bộ trang phục truyền thống, và những chuỗi cườm nhiều màu sắc nhịp nhàng trong điệu múa ka đấu, còn những thanh niên thì đánh chiêng, trống hú vang cả một không gian rộng lớn của núi rừng, góp phần tạo không khí cho lễ hội cầu mưa dân tộc Cor trên vùng cao Bắc Trà My.

Trong ngày này, những người già gặp nhau nói chuyện gia đình, con cái, chuyện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng cấy. Đây cũng là ngày hội đoàn kết của cộng đồng, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, để cùng chung sức xây dựng và phát triển bản làng. Lễ cầu mưa, còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của họ, góp phần gắn kết con người với thần linh.

Lễ cầu mưa, còn là dịp để các cô gái Cor tìm người yêu qua những câu hát của làn điệu dân ca truyền thống agiới, xa đru, hát aly hay để giãi bày tình cảm của mình với người yêu bằng tiếng sáo ta lía hay kèn a máp, để rồi nhiều mối tình nẩy nở nên duyên vợ chồng. Kết thúc lễ cầu mưa, mọi người ai cũng phấn khởi trong niềm vui hân hoan, mọi người cùng mời nhau ăn uống rượu, và họ hẹn nhau năm sau lại về dự lễ, họ tin tưởng vào một mùa vụ mới tốt tươi hơn.

Thông qua lễ cầu mưa, nhiều giá trị văn hoá khác cũng được phục hồi, sống lại như: nghệ thuật đánh cồng chiêng, trống, sáo, các làn điệu dân ca, nghệ thuật điêu khắc dân gian, trang trí cây nêu và ẩm thực cũng được tái hiện nhằm truyền dạy cho thế hệ trẻ tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Từ đó, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Cor nơi đây.


Nguyễn Văn Gia Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét