27 thg 9, 2018

Khuôn bánh trung thu làng Thượng Cung

Vào mỗi dịp cận kề Tết Trung thu, không khí ở thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại trở nên nhộn nhịp bởi những tiếng gõ, đục đẽo của các gia đình làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo truyền thống. 

Theo quan niệm xưa của người Việt, Tết Trung thu là Tết của trẻ em hay còn gọi là Tết trông Trăng. Chính vì vậy, trẻ em rất mong chờ đến ngày này vì thường được tặng đồ chơi thủ công, rước đèn trung thu…và đặc biệt được phá cỗ ăn bánh nướng, bánh dẻo. Để có được những chiếc bánh thơm ngon với mẫu mã hình thù đa dạng, bắt mắt chính là nhờ đến bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo ra những chiếc khuôn đó.

Để tìm hiểu kĩ hơn về nghề làm khuôn bánh trung thu truyền thống này chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Trần Văn Bản có hơn 35 năm với nghề làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ ở thôn Thượng Cung (Thường Tín, Hà Nội).

Ông Bản cho hay, trước đây ở làng Thượng Cung có nhiều hộ gia đình làm nghề này nhưng vì lý do thời vụ nên nhiều hộ đã bỏ nghề, giờ chỉ còn vẻn vẹn vài nhà bám trụ lại với nghề trong đó có gia đình ông.

Người Thượng Cung với đôi bàn tay khéo léo chạm lên nững chiếc khuôn bánh truyền thống sinh động.


Một góc xưởng làm khuôn bánh trung thu truyền thống ở nhà ông Trần Văn Bản. Đây là gia đình làm khuôn bánh lâu đời và có quy mô lớn nhất ở Thượng Cung.

Một bộ dụng cụ làm khuôn bánh trung thu ở đây gồm nhiều kích thước, chủng loại khác nhau tùy thuộc vào từng mẫu mã khuôn bánh.

Một số chi tiết trong quá trình làm khuôn bánh được thực hiện nhờ máy móc.

Còn lại phần lớn khuôn bánh được làm thủ công, đục đẽo bằng tay.

Những người thợ có tay nghề một ngày thường làm được từ 5-6 khuôn bánh.

Được làm đơn chiếc, nhiều công đoạn làm khuôn phải thực hiện một cách chính xác đúng như nguyên mẫu.

Hình ảnh chú các chép thường thấy trên những khuôn bánh Thượng Cung.

Ở Thượng Cung người ta làm rất nhiều mẫu mã với nhiều hình đa dạng trong dịp Trung thu.

Những khuôn bánh trung thu theo kiểu truyền thống được nhiều người lựa chọn. 

Là một trong những nghệ nhân có kinh nghiệm làm nghề đục khuôn gỗ làm bánh trung thu lâu năm nhất, ông Bản không ngừng cho ra những mẫu khuôn mới, nhằm đáp ứng nhu cầu về mẫu mã và kiểu dáng của thị trường cả nước.

Để làm ra một chiếc khuôn bánh trung thu thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn cũng như sự khéo léo của người thợ. Trước tiên là lựa chọn gỗ, thường những người thợ ưa chuộng hai loại gỗ là gỗ thị và gỗ xà cừ vì độ bền cũng như độ dẻo dai, không vênh của gỗ. Các khúc gỗ nguyên khối sẽ được cắt, xẻ thành khuôn theo kích thước yêu cầu của khách hàng sau đó dùng máy để làm phẳng bề mặt nền đáy.

Công đoạn đục họa tiết được những người thợ đánh giá là công đoạn khó nhất bởi thực hiện hoàn toàn thủ công bằng tay, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận trong từng chi tiết bởi đây chính là yếu tố để chiếc bánh khi ra lò có đẹp hay không. Sau khi đã hoàn thiện đục đẽo họa tiết người thợ sẽ dùng đất sét đóng vào khuôn như bánh thật để kiểm tra xem khuôn đã chính xác hay chưa, thừa thiếu chi tiết gì để khắc phục. Cuối cùng là công đoạn dùng giấy nhám đánh mịn bề mặt khuôn để cho người tiêu dùng dễ dàng cầm nắm và sử dụng.

Mỗi ngày mỗi người trong gia đình ông Bản hoàn thiện từ 3 đến 5 khuôn bánh, những khuôn họa tiết cầu kì thì phải làm mất nguyên một ngày. Giá trị từng sản phẩm khuôn bánh dao động từ 150-300 nghìn tùy từng kích cỡ, những khuôn có họa tiết cầu kì có thể lên đến vài triệu đồng.

Bài: Khánh Long - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét