10 thg 9, 2023

Bia cổ 500 năm ở Cù Lao Chàm

Theo các tài liệu cũ thì cách đây đúng 500 năm, vào năm 1523 một giáo sĩ người Bồ Đào Nha đã đến Đại Việt, ghé vào Cù Lao Chàm và dựng ở đây một tấm bia để ghi dấu.

Một góc Cù lao Chàm. Ảnh tư liệu

Điều đặc biệt là tấm bia có khắc hình thánh giá và ghi 4 chữ INRI (INRI là viết tắt của Iesus Nazarenus, Rex Iudaeorum, có nghĩa là: Giêsu, người Nazareth, Vua dân Do Thái). Đây được xem là dấu tích đầu tiên về việc Công giáo đến Quảng Nam.

Từ tên gọi Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm là tên gọi một nhóm gồm 8 đảo lớn nhỏ, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15km, và cách trung tâm TP.Hội An 19km về hướng đông - đông bắc, trong đó Hòn Lao là đảo lớn và cao nhất. Trong lịch sử nhóm đảo này được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Sanfu-Fù law, Cham-pu-lau, Pulociam, Pulaucham, Polochiam Pello, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La…

Những kết quả nghiên cứu khảo cổ - lịch sử gần đây cho thấy trên đảo Cù Lao Chàm đã có dấu tích của nền văn minh thời tiền sử hay tiền Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng hơn 3.000 - 3.500 năm. Thời kỳ cực thịnh của Cù Lao Chàm là từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 12, dưới các vương triều Champa.

Nói về cụm đảo này, sách Phủ biên tạp lục (1776) viết: “Phủ Thăng Hoa ngoài cửa biển Đại Chiêm có núi to gọi là Cù Lao Chàm, ba ngọn đối nhau, hai ngọn lớn mà xanh tốt có dân cư, ruộng nương, có các thứ cam quýt, đổ lạc, trên có suối nước ngọt, một ngọn thì nhỏ mà khô khan; ra biển hai canh thì đến” (Bản dịch của Viện Sử học, NXB Khoa học,1964).

Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn ghi: “Cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía đông, ngất ngưỡng giữa biển, gọi là đảo Ngọa Long, cũng còn gọi là Hòn Cù Lao, có tên nữa là Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn của cửa biển Đại Chiêm; Dân phường Tân Hiệp ở phía nam núi; ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền biển nước ta và nước ngoài trông núi làm chừng (làm mốc) đi về đều đỗ ở đấy để lấy củi, nước”. (Bản dịch của Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, 2006).

Cù Lao Chàm luôn có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Về tự nhiên, cụm đảo là bức bình phong, “trấn sơn” che chắn gió bão cho vùng cửa biển Đại Chiêm (Cửa Đại), khu đô thị thương cảng Hội An và cả cho TP.Đà Nẵng.

Về mặt phong thủy Cù Lao Chàm là tiền cảng cho cả hai kinh đô của người Chăm là Shimhapura (Trà Kiệu) và Indrapura (Đồng Dương). Theo GS. Trần Quốc Vượng thì kinh đô của người Chăm luôn là vùng địa - văn hóa kết nối giữa một vùng núi có thánh địa (Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương), đồng bằng là kinh đô (Trà Kiệu, Thành Vuông), đô thị (Hội An) và cảng thị (Cù Lao Chàm). Nối liền 4 vùng là các dòng sông (Thu Bồn, Ly Ly).

Về mặt giao thương, trong lịch sử Cù Lao Chàm từng là địa điểm quan trọng trên đường hàng hải quốc tế ven Biển Đông, là điểm dừng chân tránh gió bão, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu… cho thương thuyền nhiều nước phương Tây và phương Đông trên hải trình dọc theo các con đường hương liệu, tơ lụa, gốm sứ trên biển… Một thời Cù Lao Chàm là một “hoa tiêu khổng lồ” cho cảng thị Hội An.

Ngày nay vai trò cảng thị không còn nhưng Cù Lao Chàm là điểm đến du lịch quan trọng góp phần làm đa dạng và độc đáo thêm cho du lịch Hội An.

Tấm bia cổ 500 năm tuổi

Trong lịch sử Cù Lao Chàm luôn được các thương nhân, các nhà truyền đạo quan tâm, để ý với nhiều mục đích và tâm thế khác nhau, cụ thể là: Duark Coelho, tu sĩ người Bồ Đào Nha đến đây năm 1523; Thiền sư Thạch Liêm (Thích Đại Sán), cao tăng người Trung Hoa ghé đây 2 lần vào các năm 1694, 1695; Dumont - Chủ nhiệm Công ty Đông Ấn của Pháp đến năm 1742; phái bộ Macarthay của Anh đến Đà Nẵng đã đến “thám hiểm” năm 1793; hai tàu buồm của Mỹ đến “thăm” năm 1891…

Nhưng có lẽ lần ghé thăm đảo của tu sĩ Duark Coelho, người Bồ Đào Nha là đầu tiên và để lại “dấu tích” có ý nghĩa mà ngày nay ta cần tìm kiếm. Về sự kiện này có nhiều tài liệu đề cập có thể tham khảo.

Có hai tài liệu đề cập mốc thời gian 1523 và nhân vật Duarte Coelho nhưng chưa xác định địa điểm Cù Lao Chàm. Tác phẩm “Les Portugais sur les côtes du Viet-Nam et du Campa” của Pierre-Yves Manguin chép: “Sau lần tiếp xúc đầu tiên với người Chăm và người Việt vào năm 1516, một “sự khám phá” chính thức với Đàng Trong đã được tiến hành vào năm 1523”.

Và tác phẩm “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam" của tác giả Nguyên Hồng viết: “Vào năm 1523, thuyền trưởng Duarte Coelho được sai làm sứ giả vào nước Việt” và “vào năm 1523, khi Duarte Coelho đến thì vào lúc Mạc Đăng Dung đem quân đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hóa” (Dẫn lại của Trương Bá Cần trong Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2008).

Tác giả Nguyễn Văn Trinh trong “Lịch sử giáo hội Việt Nam” có ghi: “Đang đời này, nhà Lê cai trị Đàng Ngoài. Năm 1523, nước Buttughê (Bồ Đào Nha) sai quan Duarte Coelho sang Annam làm tờ giao kết cùng vua, song việc không thành.

Dầu vậy, quan ấy muốn để tích làm chứng, đời ấy đã có người có đạo thấu đến nước Annam, nên đã đậu tàu lại nơi Cù Lao Chàm, kêu là Poulo Champeilo, mà dựng một bia lớn đã chạm hình thánh giá, có khắc bốn chữ INRI, để số năm 1523 và sáu chữ tắt chỉ tên ông Duarte Coelho”.
(trang 163).

Trong tác phẩm “Giáo hội Công giáo ở Việt Nam” tác giả Bùi Đức Sinh cũng ghi nhận: “Năm 1523, Duarte Coelho được sai làm sứ giả đến điều đình một cuộc liên lạc thương mại giữa người Việt và Bồ Đào Nha. Gặp lúc trong nước đang rối loạn, không hy vọng có thể gặp nhà vua…

Tháng 6/1556, tức 33 năm sau, Fenão Mendes Pinto, một giáo sĩ dòng Tên qua ven biển Việt Nam gặp hình thánh giá được khắc trên một tảng đá lớn, ngoài bốn chữ INRI, còn ghi năm và tên tác giả”
(trang 33, Dẫn lại Hoàng Thị Anh Đào trong “Quan hệ giữa Đàng Trong và Bồ Đào Nha trong thế kỷ 17 - Một vài gợi mở cho quan hệ hai nước giai đoạn hiện nay”, Cổng thông tin Đại học Huế).

Tấm bia cổ giá trị nhiều mặt hiện ở đâu trong mênh mông biển đảo Cù lao Chàm? Tìm ra được và bảo tồn tấm bia sẽ vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với những người Công giáo mà cả về mặt văn hóa - lịch sử và du lịch đối với Hội An.

LÊ THÍ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét