2 thg 9, 2023

Đặc sắc trang sức của nền Văn hóa Sa Huỳnh

Tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang lưu giữ hàng trăm hiện vật là trang sức nghìn năm tuổi thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh. Những cổ vật này luôn có sức hút với du khách bởi giá trị thẩm mỹ còn nguyên giá trị theo thời gian.

Dù niên đại đã tính đến hàng nghìn năm, song nền Văn hóa Sa Huỳnh (VHSH) chỉ mới được phát hiện vào năm 1909 bởi nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet khi ông tìm thấy khoảng 200 chiếc mộ chum bên đầm An Khê (TX.Đức Phổ). Đây là lần đầu tiên nền văn hóa từng phát triển rực rỡ trên dải đất miền Trung được phát lộ. Kể từ đó, những di tích, hiện vật thuộc văn hoá Sa Huỳnh tiếp tục được nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trong và ngoài nước dày công tìm kiếm, sưu tầm và nghiên cứu.

Quảng Ngãi được xem là cái nôi của VHSH với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu. Qua các cuộc khảo cổ và hiện vật khai quật được, diện mạo của VHSH, từ nguồn gốc đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích di vật đến đặc trưng văn hóa ngày càng rõ nét.

Các trang sức cổ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Trong số hàng nghìn hiện vật thuộc về một trong ba nền văn minh rực rỡ nhất Việt Nam, trang sức chủ yếu được tìm thấy trong những mộ chum của người Sa Huỳnh. Điều này cho thấy sức sáng tạo, trình độ thẩm mỹ và đôi tay tài hoa của những thợ thủ công mỹ nghệ từ thời Sa Huỳnh. Được chế tác từ cách đây hàng nghìn năm trước, nhưng khi phủi đi lớp bụi thời gian, những món trang sức vẫn đầy sức hút.

Mỗi món trang sức thuộc về VHSH có nhiều ý nghĩa khác nhau như: Làm đẹp cho chủ nhân, thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội theo tập tục, tín ngưỡng của người đương thời. Những chuỗi hạt, vòng tay, khuyên tai, nhẫn phong phú đa dạng về kiểu dáng được chế tác bằng nhiều nguyên liệu đá mã não, nephrit, carnehan, pha lê, vàng, thủy tinh màu làm từ cát và nhựa các loại cây… Sự xuất hiện phong phú loại hình đồ trang sức, đa dạng về chất liệu cho thấy cư dân VHSH là những người có năng khiếu, khéo tay và thẩm mỹ cao.

Vòng trang sức được làm từ mã não.

Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trong VHSH, từ giai đoạn sớm Long Thạnh cho đến giai đoạn đồ sắt đỉnh cao của nó, đồ trang sức rất đa dạng, với nhiều chất liệu khác nhau. Trong đó, thủy tinh nhân tạo dùng để chế tác trang sức được xem là thành tựu rực rỡ của nền VHSH. Từ cát trắng và nhựa các loại cây, người Sa Huỳnh đã sáng tạo nên những trang sức, nhất là những chuỗi hạt nhiều màu sắc: Xanh lơ, xanh đen, đỏ, vàng, nâu xám, tím….

“Đồ trang sức đóng vai trò quan trọng, tạo nên vẻ đẹp cho chủ nhân, tạo ra quyền lực, đẳng cấp, vai trò tâm linh của chủ nhân VHSH. Qua các lần khai quật, khảo sát nghiên cứu, ta thấy đồ trang sức VHSH rất đa dạng, được tìm thấy trong các mộ táng, hay nơi cư trú của cư dân Sa Huỳnh”, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi chia sẻ.

Nói đến đồ trang sức trong VHSH, chúng ta không thể không nhắc đến khuyên tai ba mấu nhọn và khuyên tai hai đầu thú. Hai loại khuyên tai này được chế tác bằng đá và thủy tinh với cấu tạo tương đối phức tạp và độc đáo. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, khuyên tai ba mấu và khuyên tai hai đầu thú là những sản phẩm đặc trưng của VHSH do người Sa Huỳnh sáng tạo.

Khuyên tai 3 mấu nhọn được làm từ những chất liệu khác nhau.

Khuyên tai ba mấu nhọn có chất liệu chế tác từ đá ngọc, thủy tinh, đá quý, trong đó chủ yếu là đá ngọc. Loại hình khuyên tai này không chỉ được phát hiện ở VHSH, Đồng Nai, Óc Eo mà còn phổ biến ở các vùng Java, Miến Điện, Đài Loan. Điều đó cho thấy, từ rất sớm cư dân Sa Huỳnh đã có sự trao đổi, giao lưu rộng rãi với các nước trong khu vực.

Nếu khuyên tai ba mấu dịu dàng, tinh tế và khá duyên dáng thì khuyên tai hai đầu thú lại thể hiện sự dũng mạnh, kiêu hãnh, cường tráng của nam giới. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết, những khuyên tai ba mấu duyên dáng của phụ nữ và những khuyên tai hình hai đầu thú đầy kiêu hãnh của nam giới thời Sa Huỳnh cũng khắc họa một nền văn hóa đa dạng và phong phú của con người từ thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam. Chính những khuyên tai cùng hình dạng được tìm thấy ở các nước Đông Nam Á như: Malaysia, Thái Lan… cho thấy thông thương của người thời Sa Huỳnh với các nước trong khu vực có từ rất sớm và rộng rãi.

Du khách xem trang sức của nền văn hóa cổ được trưng bày tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.

Trang sức của các chủ nhân VHSH còn có khuyên tai hình đĩa bằng đất nung được tìm thấy trong mộ táng Sa Huỳnh. Đặc biệt là những trang sức được chế tác từ mã não bằng các hình khác nhau như: Hình thoi, hạt tròn, chuỗi.... Bên cạnh đó, ở các đảo cận bờ như: Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, người ta tìm thấy rất nhiều đồ trang sức được làm từ vỏ nhuyễn thể để đeo. Các trang sức này có cùng mẫu số với cư dân Mã Lai đa đảo, kể cả vùng đất phía tây Thái Bình Dương.

Từ đồ trang sức của cư dân Sa Huỳnh được tìm thấy, chúng ta thấy được tính phân bố đa dạng và có sự giao lưu, giao thoa mạnh mẽ với các nền văn hóa khác trong khu vực.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi chia sẻ, trong những lần khai quật khảo cổ, ấn tượng nhất với ông là vào năm 1996 ở Lý Sơn. Khi đó các nhà khảo cổ phát hiện vỏ ốc hoa nằm trên cổ một di cốt trong mộ táng. Sau đó, khi khai quật mộ song táng lại phát hiện thêm vỏ ốc xéo được chế tác thành nhẫn đeo tay.

Chiếc vòng cổ 2.500 năm tuổi được làm từ vỏ ốc, được khai quật ở Lý Sơn.

“Ngoài ra, tại Dương Quang vào năm 1998, chúng tôi tìm thấy nguyên hạt chuỗi mã não hình thoi rất đẹp. Hiện đang trưng bày tại Nhà trưng bày VHSH, gây ấn tượng mạnh mẽ với khách. Để tìm thấy hiện vật cổ là đồ trang sức còn nguyên hiện trạng như vậy rất hiếm”, Tiến sĩ Khôi nhận định.

Từ năm 1909 đến nay, VHSH đã có hơn 100 năm phát hiện và nghiên cứu. Đã có 5 lần hội thảo khoa học về VHSH ở các năm 1985, 1990, 1999, 2009 và 2019. Qua những lần hội thảo, các nhà khoa học đã khẳng định giá trị của VHSH, một nền văn hóa thời tiền sử của Việt Nam mang tầm khu vực và quốc tế. Trong suốt chiều dài lịch sử, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu đã dần “vén màn” bí ẩn VHSH cùng nhiều phát hiện mới trên con đường di sản VHSH.

Đến nay, Di tích VHSH đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Quảng Ngãi đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này. Kỳ vọng, Di tích Quốc gia đặc biệt VHSH sẽ là điểm kết nối quan trọng của “Con đường Di sản VHSH” ở miền Trung Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới.

Bài, ảnh: T. VƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét