13 thg 9, 2023

Cỗ chay xứ Huế

Nhắc đến ẩm thực Huế, ngoài sự nổi tiếng của ẩm thực đường phố, ẩm thực cung đình thì không thể không nói đến ẩm thực chay, một nét văn hóa đặc sắc và cũng đặc biệt của vùng đất chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa cung đình và văn hóa Phật giáo.

Mâm cỗ chay xứ Huế được chế biến và bài trí công phu, đẹp mắt với nhiều món ngon hấp dẫn. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Ngay từ thời nhà Nguyễn, Huế đã là trung tâm Phật giáo của xứ Đàng Trong. Ngày nay, Phật giáo vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân Huế. Nơi đây, người dân đa phần theo đạo Phật, vì thế Huế có nhiều chùa chiền, tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường... và đặc biệt văn hóa ăn chay không chỉ có trong các cơ sở thờ tự mà hiện diện phổ biến trong đời sống thường nhật của người dân.

Vào những ngày rằm, lễ, tết... nếu có dịp đến thăm các chùa, du khách sẽ có cơ hội được các nhà sư khoản đãi một bữa cơm chay với các món rau, dưa, tương, cà, xôi, chè... đạm bạc nhưng ngon miệng. Cỗ chay Huế rất phong phú và đa dạng từ hương vị đến hình thức chế biến, kể có đến cả trăm món khác nhau.


Vào những ngày rằm, lễ, tết... nếu có dịp đến thăm các chùa ở Huế du khách sẽ có cơ hội được các nhà sư khoản đãi một bữa cơm chay ngon miệng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Cỗ chay ở chùa Huế có rất nhiều món, cách thức chế biến giản đơn hay tinh tế, cầu kì là tùy vào người đứng bếp nhưng có điểm chung là các món thường được trình bày dưới dạng thuần chay chứ không mấy khi làm món chay giả mặn, tức dùng nguyên liệu rau, củ, quả làm giả các món thịt, cá... bởi theo quan niệm của nhà chùa món chay giả mặn tuy chỉ cốt làm đẹp mắt nhưng cũng không phù hợp với người tu hành. Vì thế, cỗ chay nhà chùa nếu có được chế biến, trình bày đẹp mắt cũng chủ yếu xoay quanh các chủ đề cỏ, cây, hoa, lá...

Ngày nay, nhiều nhà hàng chay và ở các gia đình Huế người ta cũng thường hay làm cỗ chay. Một phần do ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực cung đình và có lẽ cũng một phần do thị hiếu của đời sống hiện đại nên cỗ chay ngoài đời thường được chế biến công phu, cầu kì hơn cỗ chay trong chùa, và thường hay có nhiều món chay giả mặn. Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của các bà, các chị, cũng từ các loại nguyên liệu thực vật nhưng cỗ chay Huế được chế biến đủ các món "sơn hào hải vị" không khác gì cỗ mặn với nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà, tôm hùm, cá rán nom đẹp mắt vô cùng. Ngoài các món kho, xào, rán, luộc, hầm... cỗ chay Huế còn có nhiều món bánh, chè... rất đặc sắc.





Cách chế biến món chay của người Huế vừa mang nét ẩm thực của dân gian vừa có sự ảnh hưởng rõ nét của ẩm thực cung đình. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam

Món chay ở Huế không những thanh đạm, ngon, tốt cho sức khỏe mà còn có hình thức hấp dẫn, được trình đẹp mắt. Vì thế nói nấu cỗ chay Huế là cả một quá trình làm nghệ thuật quả không sai, bởi trong đó có sự kết hợp, đan xen giữa nghệ thuật ẩm thực và nghệ thuật tạo hình để mang lại những món ăn hấp dẫn cả hương vị lẫn hình sắc.

Vì vậy, đến Huế, bên cạnh việc khám phá ẩm thực đường phố, ẩm thực cung đình, du khách hãy nên khám phá ẩm thực chay để biết thêm một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của đất cố đô.

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét