19 thg 9, 2023

Huyền bí bức tượng thần thú cổ xưa ngự ở lăng Trần Thủ Độ

Theo các nhà nghiên cứu, bức tượng chim ở lăng Trần Thủ Độ có thể là chim Chu Tước, nằm trong bộ tượng bốn thần thú cổ xưa.

Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264) là một nhân vật có vai trò quan trọng trong sử Việt. Lăng mộ của ông nằm ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tại đây, các chuyên gia đã tìm thấy một bức tượng chim kỳ lạ.

Được phát hiện cùng một bức tượng hổ, bức tượng chim này có niên đại khoảng năm 1264, được tạo tác với các khối đơn giản. Hiện vật đang được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, bức tượng chim ở lăng Trần Thủ Độ có thể là chim Chu Tước, nằm trong bộ tượng bốn thần thú cổ xưa: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ, được gọi là Tứ tượng. 

Theo quan niệm tâm linh phương Đông, linh vật Chu Tước là một con chim mang màu đỏ, màu của hành Hỏa. Vì vậy, Chu Tước đại diện cho yếu tố Hỏa, hướng Nam và mùa hạ.

Trong các tác phẩm nghệ thuật cổ, Chu Tước hiện lên với ngoại hình giống chim trĩ, có bộ lông năm màu và được bao phủ trong ngọn lửa rực rỡ.

Chu Tước thường bị nhầm lẫn với Phượng Hoàng, một linh vật có phần nổi tiếng hơn, do ngoại hình giống nhau. Nhưng đây là hai linh vật khác biệt và không có mối liên hệ với nhau.

Nếu Phượng Hoàng được coi là chúa tể của các loài chim, thường được liên hệ với nữ nhân trong hoàng tộc thời phong kiến, thì Chu Tước lại mang vai trò của một sinh vật thần thoại trong thiên văn học cổ.

Theo thiên văn truyền thống phương Đông, Chu Tước ứng với một cung gồm 7 chòm sao phương Nam trong Nhị thập bát tú, đó là sao Tỉnh, sao Quỷ, sao Liễu, sao Tinh, sao Trương, sao Dực và sao Chẩn.

Trong đó Tỉnh tượng hình mỏ chim, Quỷ tượng hình mào chim, Liễu tượng hình diều chim, Tinh tượng hình cổ chim, Trương tượng hình bụng chim, Dực tượng hình cánh chim, Chẩn tượng hình đuôi chim...

Một số hình ảnh khác về tượng chim Chu Tước ở lăng Trần Thủ Độ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét