14 thg 6, 2023

Những cây vải trăm tuổi trong Hoàng cung Huế vào mùa rộ quả

Sau gần 200 năm, những cây vải (lệ chi) tiến cung trong Hoàng cung Huế vẫn sinh trưởng tốt và đang mùa rộ quả.

Lệ chi trong Hoàng cung Huế đang mùa rộ quả. Ảnh: Bảo Minh

Lệ chi trên Cửu đỉnh

Lệ chi là tên gọi của quả vải – một trong 9 loài trái quý được vua Minh Mạng cho khắc lên Cửu đỉnh. Hình tượng cây vải nằm trên Huyền đỉnh - đỉnh đặt hàng thứ tư bên phải tượng trưng cho sự huyền kỳ.

Hình ảnh cây lệ chi được khắc trên Cửu đỉnh. Ảnh: Bảo Minh

Người xưa mô tả quả lệ chi có vỏ như nhiễu đỏ, da mỏng như lụa tím, thịt trắng sáng như băng tuyết, nước ngọt hơi chua như cơm rượu. Nếu rời cành một ngày thì đổi sắc, hai ngày thì đổi hương, ba ngày thì đổi vị (có thể bị thối).

Theo Đông y, quả vải có thể dùng làm thuốc điều khí mạch, chữa mụn nhọt, đau răng, hay bị nấc cụt, và làm thuốc bổ máu.

Theo Phòng Cảnh quan Môi trường Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong Hoàng cung Huế hiện có khoảng 120 cây là giống vải tiến vua rất ngon từ miền Bắc, được trồng ở Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh... với tuổi đời khoảng 200 năm.

Dưới thời Minh Mạng, vải quý được trồng nhiều trong cung. Và uống trà, thưởng vải còn là một thú vui tao nhã của vua tôi được chép lại trong sử sách: Năm 1840, vua ngự vườn Thiệu Phương: "… cho triệu hoàng tử và các quan vào chầu; sai hái vải và pha trà cho uống, rồi làm một bài thơ, sai sao ra cấp cho mọi người để ghi việc vua tôi tương đắc".

Vào mùa hè, hàng vải chín đỏ, góp phần tô điểm thêm cho hệ thống cung điện vàng son. Những người gắn bó lâu năm ở di tích cho hay, một vài gốc vải ở đây cho quả rất ngon, hạt chỉ bằng hạt đậu xanh, ăn vào ai nấy đều nức lòng.

'Hắc lệ chi' ngoài Hoàng cung

Ngoài vải tiến vua được trồng trong Hoàng cung, ở Huế còn có những cây vải từ hạt giống vua ban cho tân khoa, hoàng thất, quan lại truyền về phủ đệ bên ngoài cũng cho loại quả thơm ngon, ngọt lành không kém…

Ví như cây "hắc lệ chi" tại phủ Mỹ Hóa Công trên đường Phan Chu Trinh có tuổi đời gần 130 năm. Đây được xem là cây hắc lệ chi lâu đời ở Huế.

Ông Định Phước, hậu duệ đời thứ 9 ở phủ này, cho hay: “Tương truyền, ngài được vua ban quả quý và lấy hạt về trồng từ đó. Trước đây, phủ có 3 gốc vải, qua thời gian, 2 cây bị sâu bệnh và gãy do bão, nay chỉ còn 1 gốc nằm cạnh cửa phủ. Cây cho trái hàng năm. Hắc lệ chi là danh xưng mỹ miều, vì loại vải này cơm dày mọng nước, bên trong hạt đen tựa mắt người đang khóc”.

Giống vải ở phủ Mỹ Hóa Công ra quả thuôn dài, khi chín màu đỏ tía. Mùa hè tầm tháng 5 trở đi, nhìn từ phía sông An Cựu, cây đỏ rực đung đưa trong gió thu hút ánh nhìn người qua đường.

Năm nay, cây vải phủ Mỹ Hóa Công cho gần 2 tạ quả, nhiều hơn so với năm trước. Thời điểm thu hái, rất nhiều người tìm đến chờ mua song quả không đủ để bán. Chủ nhân phủ chủ yếu phục vụ việc thờ cúng trong nhà và để dành cho bạn bè, người thân thưởng thức.

Hay gốc vải gần 200 năm tuổi tại phủ An Thường công chúa trên đường Nguyễn Công Trứ - bà chúa thứ tư của vua Minh Mạng. Quả vải ở đây thuôn tròn, tỏa sắc tía, ngọt thơm lạ kỳ. Ngày kỵ của bà, hậu duệ thường hái vải dâng cúng bà chúa và cùng nhau thưởng lộc tổ tiên để lại cho cháu con.

Hầu hết các gốc vải ở Huế đều có tuổi đời lâu năm, phần lớn xuất phát từ giống “vải trạng” - vua ban quả vải cho các tân khoa ở các kỳ thi để mang về làm giống.

Hiện ở một số nhà vườn khu vực Thành Nội, Kim Long, Vĩ Dạ… còn nhiều gốc vải trên dưới trăm tuổi. Do nằm trong hệ thống vườn tạp, vừa làm cảnh vừa tạo bóng mát nên hầu như chúng ít được chăm bón, tưới tắm. Vì vậy, cây cho quả không đều hoặc năm được mùa, năm mất mùa.

Tùy chất lượng quả, vải Huế ở nhà vườn được bán giá từ 30.000-50.000 đồng/kg, song sức mua khá mạnh vì là đặc sản nức tiếng chỉ người sành ăn mới biết. Nhiều khách mua biếu người thân hoặc gửi đi làm quà ở ngoại tỉnh khoe thứ quả ngon lành hiếm có chốn kinh kỳ.

Tường Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét