27 thg 6, 2023

Kiến trúc người Hoa tinh tế của ngôi miếu 100 tuổi ở Sóc Trăng

Thanh Minh Cổ Miếu hay còn được gọi là Chùa Ông Bổn, Chùa Ông là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo người dân Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Khởi công xây dựng từ 1923, Thanh Minh Cổ Miếu đến nay đã trở thành một địa điểm quen thuộc với người dân địa phương, nhất là đồng bào người Hoa. Thanh Minh Cổ Miếu được phục dựng theo nguyên bản sau 4 đợt trùng tu để giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa cổ xưa. Bốn chữ “Thanh Minh Cổ Miếu” viết bằng chữ Hán được sơn son thiếp vàng mang lại vẻ uy nghi đặc trưng của những ngôi chùa, miếu người Hoa.

Trong đợt trùng tu gần đây nhất hoàn thành vào tháng 3.2023, ngôi miếu cổ được thiết kế xây dựng thêm phần cổng Tam Quan có đỉnh cao 9,5m. Cổng màu trắng làm bằng đá tự nhiên được chạm trổ công phu với bức phù điêu long phụng, lưỡng long tranh châu.

Khoác lên mình bề dày lịch sử qua 100 năm, nơi này là dấu ấn sống động nhất về sự phát triển trong văn hóa và kiến trúc cổ của cộng đồng người Hoa.

Các bức tường đã được ốp lại bằng gạch đá, bích họa sơn dầu được thay bằng đá điêu khắc, giữ nguyên các họa tiết cổ. Trước chánh điện, có một đôi cột tròn bằng xi-măng đắp nổi hình rồng. Đầu các cột này được trang trí với những bức hoành phi và câu đối có niên đại từ thế kỷ XIX, mang đậm dấu ấn của thời gian.

Từng chi tiết của miếu đều mang đậm màu sắc, nét tinh tế trong kiến trúc cổ của người Hoa.

Bên cạnh Cổng Tam Quan được xây mới hoàn toàn, Thanh Minh Cổ Miếu còn nâng cấp và xây lắp toàn bộ tường rào, lót gạch trong khuôn viên sân Miếu.

Ngôi miếu được dựng lại hoàn toàn bằng gỗ, chạm trổ hoa văn đà kèo đi kèm với mái ngói lưu ly, bên trên có các tượng “Lưỡng long tranh châu”, “Long phụng hòa minh” bằng gốm tráng men màu rất tinh xảo biểu thị ý nghĩa về hòa hợp âm dương, sung túc no đủ.

Tín ngưỡng và văn hóa của đồng bào người Hoa được thể hiện rõ nhất trong lối xây dựng kiến trúc đền, miếu theo các chữ Hán mang ý nghĩa tốt đẹp. Thanh Minh Cổ Miếu cũng vậy, xây dựng theo hình chữ “Phú” với ước vọng phát triển, sung túc và đủ đầy.

Ngay từ cửa chính, bức biển đại tự "Thanh Minh Cổ Miếu" được sơn son thếp vàng lấp lánh sẽ thu hút sự chú ý của bất kỳ ai ghé thăm. Điểm đặc biệt trên cửa chính là đôi lân được tạo nên từ gốm tráng men, thường được gọi là “Nhị lân quản ngõ” phía trên.

Bước vào bên trong, chúng ta sẽ đến chánh điện. Hai bên chánh điện là hai dãy Đông Tây lang, phía sau là hành lang bảo vệ chạy dọc Đông Tây của ngôi miếu. Chánh điện cũng là nơi tập trung các bao lam, hoành phi, câu đối và tượng điêu khắc gỗ.

Với sự kết hợp giữa tôn giáo - tín ngưỡng và văn hóa - xã hội, Thanh Minh Cổ Miếu đã trở thành một địa điểm thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương. Nhiều người tới đây cúng bái trong những dịp rằm, lễ, Tết và đặc biệt là ngày vía Ông Bổn.

Lễ vía Ông Bổn diễn ra hàng năm vào đêm 24 rạng, sáng ngày 25.2 âm lịch, kèm theo nghi thức dâng hương cúng thiên địa và cúng Ông Bổn, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Các hoạt động văn hóa và nghệ thuật, đặc biệt là các trích đoạn tuồng cổ, cũng diễn ra sau nghi thức dâng hương.

Ngoài ra, vào dịp tết Nguyên tiêu hàng năm, lễ cúng và lễ vật tương tự vía Ông Bổn cũng được tổ chức tại Thanh Minh Cổ Miếu. Công trình này tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, khóm 1, phường 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nơi này được công nhận là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp tỉnh vào 2006 nhờ những giá trị lịch sử, kiến trúc và những hoạt động văn hóa - xã hội.

Quang Thiện - Ảnh: Thạch Duy Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét