27 thg 6, 2023

Bánh bạc đầu tô điểm nét duyên cho ẩm thực Sóc Trăng

Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng với bánh pía, bánh in, mè láo... mà những chiếc bánh bạc đầu có hương vị thơm ngon đã làm nức lòng du khách.

Bánh bạc đầu với hương vị thơm ngon làm nên nét duyên ẩm thực của Sóc Trăng. Ảnh: Bích Ngọc

Theo người dân địa phương, tên gọi độc đáo của món bánh này xuất phát từ việc bánh có màu trắng của bột và của dừa sợi, nhìn như tóc bạc nên gọi là bạc đầu.

Từ những nguyên liệu đơn giản để làm bánh gồm gạo nếp, dừa bào sợi, đường thốt nốt... để làm ra một chiếc bánh bạc đầu rất kì công và đòi hỏi sự khéo tay của người thợ.

Từ khâu xay bột, làm nhân đến khâu luộc bánh - đây là khâu quan trọng để cho ra thành phẩm bánh có ngon hay không. Lúc luộc bán, người thợ phải canh lúc nước sôi, nếu nước không sôi mà thả bột vào là bánh sẽ bị bể vỏ, mất ngon.

Bánh bạc đầu được áo một lớp bên ngoài bởi dừa bào sợi và đậu phộng rang trông rất bắt mắt. Ảnh: Bích Ngọc

Mùi vị đặc trưng làm nên nét riêng của bánh bạc đầu chính là vị ngọt thơm ngon của đường thốt nốt, vị giòn sần sật của sợi dừa bào từ những quả dừa khô rám vỏ. Cắn một miếng thực khách sẽ không quên được hương vị độc đáo của món bánh này.

Không giống với các món bánh khác, bánh bạc đầu không cần hấp hay chiên mà chỉ luộc, nên có hương vị độc đáo, dễ ăn. Bánh sau khi chính sẽ có màu trắng trong. Một chiếc bánh được đánh giá là ngon khi nhìn từ vỏ bánh có thể nhìn thấy nhân bánh mờ mờ sau lớp áo của bột nếp, vị ngọt thanh của bánh, béo của dừa và mùi thơm của đường thốt nốt.

Từ những nguyên liệu dễ tìm người dân Sóc Trăng đã làm ra chiếc bánh bạc đầu thơm ngon. Nếu như lúc trước nhiều hộ gia đình làm bánh chỉ để ăn trong nhà, nay bánh bạc đầu trở thành món ẩm thực được nhiều người ưa chuộng.

Ngày nay, bánh bạc đầu đã không còn là món bánh khó tìm. Ăn miếng bánh để cảm nhận vị ngọt ngào, béo thơm của bánh và đặc biệt là cảm nhận đất và người nơi đây để thêm yêu, thêm mến Sóc Trăng.

BÍCH NGỌC 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét