7 thg 6, 2023

Di sản hát lý của người Cơ Tu

Nói lý - hát lý là nghệ thuật ứng khẩu trong sinh hoạt cộng đồng của người Cơ Tu hết sức độc đáo và ý nghĩa. Di sản phi vật thể quốc gia này được người dân gìn giữ, phát triển, hớp hồn du khách gần xa mỗi mùa lễ hội.

Mùa lễ hội của người Cơ Tu ở Đông Giang, Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Thành

Theo các già làng người Cơ Tu ở Quảng Nam, trong đời sống của người dân nghệ thuật ứng khẩu nói lý - hát lý là một trong những loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo nhất. Cái hay nhất của nói lý - hát lý là dùng một hình tượng để chỉ một sự việc. Vì vậy, nói lý - hát lý thường dùng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc… Đặc biệt, người Cơ Tu không bao giờ sử dụng câu nói, câu hát tục tĩu, thiếu văn hóa trong nói lý - hát lý. Khi một bên nói lý đúng quá và đối phương không thể đối lại thì gọi là “hết lý” hoặc “chết lý”. Trong tập quán của người Cơ Tu, khi bị đối phương bắt lý và hết lý, thì dù là kẻ thù đi chăng nữa họ cũng tâm phục, khẩu phục và giảng hòa theo ý của đối phương.

Già làng huyện Đông Giang (Quảng Nam) hát lý, nói lý tại lễ kết nghĩa truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thành

Già làng Zrâm Đhông (thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cho biết: Nhiều cuộc tranh cãi, mâu thuẫn giữa làng này với làng kia, gia đình này với gia đình nọ đều được giải quyết ổn thỏa qua những câu lý. Nói lý - hát lý không phải mổ xẻ, phân tích một sự việc, hiện tượng, mà cái lý ở đây là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa. Nghệ nhân nói lý - hát lý của người Cơ Tu ngoài giọng hay, truyền cảm, còn phải biết chọn lựa kết hợp nội dung phù hợp, súc tích.

Năm 2015, nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại mỗi lễ hội, ngày vui của gia đình, làng, xã của người Cơ Tu, nói lý, hát lý là hoạt động không thể thiếu.

Ngày xưa, người Cơ Tu thường tổ chức lễ kết nghĩa khi hai bên có xảy ra mâu thuẫn. Ngày nay, lễ kết nghĩa của người Cơ Tu để giữ mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, đoàn kết hơn giữa các thôn, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, giao lưu văn hóa,.… Theo già làng Đhông, trong lễ kết nghĩa truyền thống, bên cạnh nghi lễ mời rượu, cúng thần linh... thì một phần quan trọng không thể thiếu là nói lý - hát lý.

Câu lạc bộ nói lý - hát lý thôn Tà Vạc (thị trấn Prao, Đông Giang) được thành lập và hoạt động đã hơn 2 năm nay. Ông Arất Blúh - Chủ nhiệm CLB cho biết: Các thành viên CLB chủ yếu là các già làng có kinh nghiệm và các bạn trẻ am hiểu nghệ thuật ứng khẩu. Đều đặn hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt, các vấn đề trong đời sống được gợi mở để các thành viên phân tích, diễn đạt theo hình thức nói lý, hát lý.

NGUYỄN THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét