7 thg 6, 2023

Ngôi chùa 'đệ nhất Hoan Châu' trên núi Hồng Lĩnh

Được mệnh danh là một trong 21 thắng cảnh đẹp nhất nước Nam xưa, chùa Hương ở huyện Can Lộc thu hút rất nhiều khách đến vãn cảnh, chiêm bái.


Chùa Hương hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự, có nghĩa là chùa Thơm, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Chùa nằm ở độ cao 650 m, lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh đẹp nhất trong 99 ngọn trên núi Hồng Lĩnh. Nơi đây được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam" - ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu (xứ Nghệ), một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa.

Theo nghiên cứu, chùa Hương được xây dựng thời Trần, thế kỷ XIII, là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Việt Nam. Tương truyền, vua Trang Vương nước Sở sinh hạ được ba con gái, khi trưởng thành hai chị lấy chồng làm quan trong triều. Đến công chúa út Diệu Thiện thì bị vua cha ép gả cho một viên quan võ, là một người độc ác, hung tàn. Nàng phẫn chí và đi tu, người chồng sau đó tìm đến phóng hỏa đốt chùa, nhưng may mắn được đức Phật che chở, cứu thoát. Diệu Thiện sau đó đến động Hương Tích, núi Hồng Lĩnh dựng am tu hành.

Sau đó, Sở Trang Vương lâm trọng bệnh, thầy thuốc khuyên phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái tự nguyện hiến dâng mới cứu được. Diệu Thiện biết chuyện đã hy sinh đôi mắt và bàn tay của mình đưa cho sứ giả về cứu cha. Vua khỏi bệnh, sai người đến trả ơn mới biết đó là con gái mình. Đức Phật cảm động tấm lòng của Diệu Thiện nên hóa phép cho cơ thể nàng lành lặn lại như cũ. Diệu Thiện sau đó tu hành đắc đạo và hóa thành phật quan âm nghìn mắt nghìn tay.

Ở chính nơi Diệu Thiện tu hành và hóa phật, người dân đã xây nơi thờ tự là chùa Hương.


Chùa Hương từng trải qua nhiều biến cố lớn. Năm 1885, sau một trận hỏa hoạn phần lớn các công trình kiến trúc, tượng phật, hiện vật trong chùa bị thiêu rụi, chỉ sót lại một vài công trình kiến trúc đơn lẻ.

Đến năm 1901, chùa mới được vận động xây dựng lại dưới thời Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn. Các công trình kiến trúc như đền, am, chùa, hầu hết được khởi tạo lại trả về dáng vẻ nguyên xưa.

Chùa trong quần thể kiến trúc cổ gồm ba khu vực chính là thượng điện, đền Trang Vương, am Thánh Mẫu xếp từ thấp đến cao tựa theo sườn núi. Ngoài ra, quần thể còn có miếu cửa rừng, trạm nghỉ Phật Bà, am Giác Phổ, khe Quỷ Khốc, thác Giải Oan...


Du khách sau khi đến khu vực bán vé do Ban quản lý khu di tích chùa Hương ở xã Thiên Lộc phụ trách, có thể lên chùa bằng ba cách. Thứ nhất là đi xe điện lên núi rồi đi cáp treo. Xe điện từ bến chạy lên điểm bán vé cáp treo mất khoảng 10 phút, giá vé cả khứ khồi là 35.000 đồng một người. Một chuyến xe điện có thể chở khoảng 10 người.


Phương án thứ hai là đi thuyền từ bến Hương Tuyền, di chuyển khoảng 1,5 km qua đập Nhà Đường trong 20 phút, sau đó tiếp tục đi bộ đường rừng khoảng 500 m để mua vé đi cáp treo lên chùa. Mỗi lần đi thuyền, một du khách phải trả 10.000 đồng cho cả lượt khứ hồi.


Tuyến cáp treo ở chùa Hương dài 900 m, đi qua hai ga là Miếu Cô và Hương Tích. Mỗi cabin có sức chứa khoảng 8 người.

Một lượt đi từ ga Miếu Cô đến Hương Tích khoảng 5 phút. Giá vé người lớn là 180.000 đồng, trẻ em 120.000 đồng cả khứ hồi. Từ cabin, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật núi rừng phía dưới.


Ngoài ra, khách hành hương có thể lên chùa bằng cách đi bộ, men theo hàng nghìn bậc thang đá. Tuy nhiên quá trình này vất vả, có thể mất vài tiếng.


Nơi thờ tự chính của chùa là thượng điện, được làm bằng đá, bên trong dựng bởi các cột gỗ, trên mái lợp ngói âm dương. Phía trước có lư hương, du khách khi đặt chân đến chùa thường dâng hương tại sảnh.


Phía trong thượng điện có nhiều tượng phật cổ, người dân thường vào đây quỳ lạy, đọc sớ cầu an.


Tại chùa vẫn còn lưu những chiếc chuông cổ có niên đại từ hàng trăm năm trước.


Phía sau thượng điện là Động Hương Tích, nằm bên khối đá lớn, là một trong những hạng mục quan trọng của chùa.


Xung quanh khuôn viên được bố trí nhiều điểm thắp hương. Bên phải thượng điện có tượng hổ bằng đá, một số người thường đến khấn vái, xức dầu lên thân tượng để mong được chữa bệnh. Nhà chức trách cho rằng việc xoa dầu lên tượng để chữa bệnh là không có căn cứ, từng gắn biển cấm, song vào những dịp đông du khách thì không thể ngăn cản.


Đường lên chùa xa, nên Ban quản lý đã bố trí bàn ghế ở phía hai bên các bậc thang để khách hành hương có thể ngồi ăn uống, nghỉ ngơi.


Một số vị trí có tạo hình cảnh quan để check-in, chụp ảnh lưu niệm.


Một chuyến đi chùa Hương kéo dài hơn một tiếng, đối với du khách đi bằng xe điện, thuyền và cáp treo. Nếu ai di chuyển bằng đường bộ thì mất khoảng 3-4 tiếng.

Mỗi năm, chùa Hương đón hàng trăm nghìn lượt khách đến vãn cảnh, thắp hương, chiêm bái. Chính lễ chùa diễn ra ngày 18/2 âm lịch hàng năm.

Đức Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét