22 thg 10, 2024

“Nức tiếng” làng khô Phú Thọ

Nếu có dịp đi dọc tuyến ĐT844, đoạn qua địa phận xã Phú Thọ (Tam Nông-Đồng Tháp) sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh bà con nơi đây thoăn thoắt trở cá khô trên những giàn phơi. Từng con cá khô xếp thành hàng thẳng tắp phơi mình trong ánh nắng vàng rực...

Có rất nhiều loại khô cá, nhưng nhiều nhất là khô cá lóc.

Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa quanh năm cùng với mật độ sông rạch dày đặc là điều kiện tốt để các loài thủy sản sinh sản và phát triển. Từ chuyện tôm cá “ăn không hết”, người dân tính đến làm khô tích trữ. Ban đầu chỉ từ vài hộ, dần dà nhiều người làm, đến nay cả làng cùng làm khô. Làng nghề cá khô Phú Thọ theo đó mà hình thành.

Nhiều người ở đây cho biết, lúc đầu làm khô chủ yếu “biếu bà con ăn lấy thảo”, nhưng nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà nên sau đó có người hỏi đặt hàng.

Theo anh Thiều Huỳnh Trung- chủ cơ sở khô cá lóc Huỳnh Trung, những năm 2010, ở Tam Nông nghề nuôi cá lóc phát triển rất mạnh, bà con đẩy mạnh việc chế biến khô nhằm giảm tải áp lực tiêu thụ khi cá lóc vào vụ thu hoạch đồng thời nâng cao giá trị.

Cá sau khi tẩm gia vị được xếp thẳng tấp trên giàn phơi.

Nhờ khép kín từ vùng nuôi đến chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm cá khô làng khô Phú Thọ tạo được lợi thế cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả. Nhiều bà con chia sẻ, cá lóc sau khi đánh bắt về được làm sạch, xẻ đôi ở sống lưng, bỏ hết xương rồi cho vào tẩm ướp với muối trắng, mắm thơm, ớt cay, sả đập dập và nghệ để khử bỏ mùi tanh. “Nức tiếng” của món khô cá lóc ở đây là lúc tẩm ướp gia vị, phơi hoặc sấy cá rất công phu nên khô giữ được vị ngọt.

Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng- chủ cơ sở sản xuất khô Như Hằng cho biết, làm cá khô vừa dễ vừa tiện dụng nên được nhiều chị em lựa chọn. Khô cá ở đây rất đa dạng nhưng chủ lực vẫn là khô cá lóc. “Cơ sở ngày làm khoảng 200 kg cá/ngày, mấy tháng cao điểm như Tết Nguyên đán lên khoảng 400-500 kg. Không chỉ giúp kinh tế gia đình ổn định mà còn đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho 9 nhân công.”- cô Hằng chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, đóng gói nhiều bà con chủ động đầu tư nhiều máy móc, thiết bị cũng như thuê mướn thêm nhân công để sản xuất.

Theo anh Huỳnh Trung, thường gần tết thị trường khô hút hàng. Vì vậy từ khoảng giữa tháng 11 âm lịch, cơ sở của anh cũng như làng nghề đã bắt đầu tăng ca. Không khí sản xuất tại làng nghề trở nên tất bật, nhộn nhịp.

Năm 2019 sản phẩm cá khô ở đây được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”. Năm 2020, UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận làng nghề. Từ đó giúp cho đặc sản khô cá lóc ở địa phương ngày càng phát triển và vươn xa.

Làng nghề hiện có gần 200 hộ tham gia sản xuất, bình quân cũng ứng cho thị trường hơn 600 tấn. Giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động.

Ông Nguyễn Văn Nhứt- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết, thời gian qua ngoài việc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, địa phương cũng hướng dẫn kỹ năng bán hàng trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội. Theo đó, sản phẩm khô cá được tiêu thụ rộng rãi hơn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét