21 thg 10, 2024

Cà Tang, núi như mái ấm quê nhà

Có lần anh bạn người Chăm của tôi quả quyết rằng tên núi Cà Tang (Cà Tan, Gà Tan) quê tôi là do người Chăm của ảnh đặt tên. Tôi ừ hử nhưng chưa vội tin. Giả thuyết này có cơ sở bởi lịch sử vùng đất này với người Chăm là câu chuyện của ngàn năm. Lần sau tìm đọc đâu đó, nhà thơ Tường Linh cũng từng nhắc chuyện tên núi liên quan đến người Chăm này. Tôi bắt đầu hoài nghi...

Ngọn núi như những mái nhà.

Mãi đến khi bạn tôi bảo, tiếng Chăm từ Cà Tang gần đồng âm với từ mái nhà. Từ đó, tôi bắt đầu ngắm ngọn núi quê mình theo một cách khác…

Sinh sôi từ chân núi

Tôi bắt đầu ngắm về núi Cà Tang, cả khi tôi không ngồi trước mái hiên nhìn lên cái đỉnh mờ sương quen thuộc ấy. Ngay cả khi tôi ở một nơi rất xa, nhắm mắt mơ về.

Ngọn núi không chỉ mang hình dáng giống hệt mái nhà mà nó chính là ngôi nhà trong tâm thức của người dân làng tôi, của những gì ấm áp và chở che. Của tâm linh và an ủi. Của phận người bao lớp đi qua giấu vào đó những vui buồn, ấp ủ hoài niệm và yêu thương.

Tháng Tám, khi những cơn mưa dông cuối hè vừa ngớt. Tôi thường ngồi trước hiên nhà nhìn những đám mây trắng trôi bồng bềnh trên đỉnh Cà Tang. Đám mây như tuyết mịn, mềm như lụa, ôm ngọn núi vỗ về.

Những cơn gió khuấy động nó rồi xếp thành những hình thù kỳ quái. Tôi cứ mải mê ngồi ngắm đỉnh núi với bao tưởng tượng trong cái đầu non trẻ. Tôi thấy sương trên đỉnh núi như khói bếp của mẹ tôi đun trong bữa cơm chiều. Thứ khói tỏa ra lời gọi mời thương nhớ đi thẳng vào ký ức và in ở đó vĩnh hằng.

Ngọn núi là nóc nhà. Đúng rồi, nó là mái nhà tranh với mái lá êm xuôi. Cánh phải của núi vươn mình dài ra chạy băng qua Bằng Sim về đến tận mé sông Thu Bồn, ra hướng mỏ than Nông Sơn.

Cánh trái của núi ngoặt về phía đập Hố Cái, lượn xuống cánh đồng Cây Si và ngược về Hóc Sỏng. Những cánh đồng, những địa danh thuộc nằm lòng với bất cứ ai sinh ra lớn lên dưới chân núi này.

Ở hiên nhà tôi nhìn lên ngọn Cà Tang chia làm hai đỉnh đứng so le nhau. Hai đỉnh núi như hai đầu hồi của căn nhà tranh hai gian ba chái. Tôi thường chắp hai bàn tay của mình để nghiêng trước mặt theo hình bóng núi. Đôi bàn tay tôi chụm lại, chóp của bàn tay là đỉnh Cà Tang. Quả thật, đây là mái nhà.

Kinh nghiệm của đất trời

Mùa xuân, tôi thường lùa trâu lên đỉnh Cà Tang hái thứ bông vang trắng kết thành từng chùm thay cho nhành mai vàng chưng Tết. Thứ hoa trắng nở suốt cả mùa xuân mà sau này tôi không còn thấy nơi nào khác trên đỉnh núi quê nhà. Tôi nghĩ nó như loài hoa đặc hữu của riêng ngọn núi mà mỗi khi tôi chợt nghĩ về.

Từ mái hiên nhà nhìn lên ngọn Cà Tang. Ảnh: T.V

Khi xuân sắp tàn, bầy ong mật không còn quanh quẩn trên những sườn đồi nắng gắt, ông Nghè ở xóm Bún bắt đầu dắt bầy chó săn đi lùng những con hoẵng cứ tác mãi hàng đêm.

Ông dắt bầy chó đi xuyên từ ngày sang đêm, đi từ sườn đồi này qua sườn núi khác, đi về cả những cánh ruộng bỏ hoang dưới chân núi, nhưng con hoẵng ông cố tìm vẫn biệt tích.

Khi người ta thấy chiến tích ông mang về một con heo rừng, có khi vài con sóc, con chồn hôi, nhưng tuyệt nhiên thứ hoẵng tác đêm đêm trên đỉnh núi chưa ai từng săn bắt được. Sau này, nhiều người bảo ông phát điên khi đi tìm con hoẵng đó và người ta tìm thấy xác ông ở bìa rừng.

Ở thung lũng dưới chân núi này, mùa cao điểm nắng gắt đến cháy da. Khi nghe tiếng con hoẵng đêm khuya trên núi tác vọng về ba tôi bảo: “Trời sắp mưa!”. Y rằng chiều hôm sau một trận mưa ngập chìm cánh đồng, chúng tôi đốt đuốc ra đồng bắt ếch.

Ngọn núi, có tất cả thứ kinh nghiệm đất trời mà quê tôi nhìn vào đó để sống, để hòa hợp và trường tồn. Cây si già dưới chân núi Cà Tang mỗi khi chùm rễ bung trắng, phun ra những sợi dây lòng thòng như sợi tơ hồng, thì chắc chắn trời sẽ đổ mưa. Và cứ thế người ta bắt đầu đi chặt bờ ruộng, đắp lại con mương, chuẩn bị cho một mùa mạ mới.

Mang núi quê mình ra khắp thế gian

Có lần anh bạn thân của tôi từ Mỹ về thăm. Anh mải mê ngắm ngọn núi rồi dành cả buổi chiều để lang thang trên các bờ ruộng đang mùa lúa chín vàng. Lúa chạy dài đến tận bìa rừng, nghiêng mình rung rinh theo từng cơn gió. Anh bảo: “Ta chưa thấy nơi nào đẹp lạ như quê mày. Núi cao sông sâu đều xanh ngát. Ta muốn làm chút gì đó cho xứ sở này!”.

Rượu Whiskey Katan - Cà Tang - nuôi giấc mơ tôi.

Anh mang cái Flycam đứng bay suốt từ sườn núi này qua đỉnh rồi khác rồi về ngồi mở máy cả đêm để ngắm lại. Anh khen hết lời rồi cười một mình như một kẻ quái dị trong đêm tối. Tôi không nói ra nhưng rất vui vì điều này. Tôi hay tự hào và đầy hứng khởi khi ai đó nói về quê mình, khen nó, dù chỉ khen núi, khen đồng ruộng, khen cánh rừng chứ không khen cá nhân ai.

Anh về Mỹ, im bặt một thời gian. Tôi nghĩ câu chuyện nói chơi ở một xứ sở xa lạ mà ai đó một lần lướt qua cảm thấy rung rinh với cái đẹp đều thốt lên rồi quên. Nhưng anh thì không. Anh nhắn tin cho tôi qua Facabook, “Ta muốn làm chai rượu Whiskey ở quê mày. Tên nó là Cà Tang - Katan”.

Nửa năm sau, anh chuyển các thùng sồi trắng từ Mỹ, gởi theo đường tàu biển. Anh theo dõi chuyến tàu chở cái thùng sồi đi từ Mỹ qua cảng Tokyo ở Nhật, rồi về cảng Đà Nẵng. Anh gởi luôn cái lò nấu rượu thủ công bằng đồng, có cái cổ cao tới... nóc nhà.

Tôi và anh dành cả hai ngày trời để ráp cái xưởng rượu ở nhà mẹ tôi. Cái xưởng rượu đẹp mê hồn, tôi đứng đó, ở cái nhà dưới sát bàn ăn cũ của mình, trông như cảnh trong cái bar rượu xưa xưa ở một bộ phim nào đó của châu Âu.

Cô em gái tôi được anh chỉ dẫn nấu thứ ngũ cốc và tinh chế hai lần trước khi đổ vào thùng sồi để ngâm. Công đoạn để sản xuất một chai rượu Whiskey rất dài. Dài và công phu đến độ mà tôi nghĩ mình sẽ không thể nào ghi chép hết ở đoạn kể này.

Và ba năm sau đó, chúng tôi hồ hởi mở nắp thùng sồi. Pha chế và đóng vào chai thủy tinh rượu Katan đầu tiên với cái màu hổ phách đẹp sóng sánh. Mùi Whiskey quyện trong khói của thùng rượu single nuôi tôi giấc mơ còn lớn hơn cả ngọn núi quê mình.

Giọt rượu đầu tiên chúng tôi bừng tỉnh. Hương vị trong đầu lưỡi tôi đậm đặc, nó quyện trong đó tình yêu, tình bạn, thứ khát khao, mơ ước và thêm một chút lãng mạn trên con đường rượu chúng tôi đi. Tôi không biết nó về đâu cả. Không cần toan tính.

Tôi bưng ly rượu ra trước ngõ, đưa về hướng núi cúi đầu bái lạy ngọn núi quê mình. Tôi lạy như lạy mái nhà tổ tiên của tôi. Tôi thấy ở đó một giấc mơ thật đẹp, và nhờ những người bạn, ngọn Cà Tang của tôi bay thật xa.

Bảy năm sau, anh bạn tôi nhắn về: “Em ạ! Rượu Katan của mình đã đoạt Huy chương đồng trong Festival rượu bên này! Anh ước nó có mặt ở các cửa hàng miễn thuế trong các sân bay”. Tôi không thể ngăn dòng nước mắt khi ngước nhìn lên ngọn núi quê nhà với lòng hàm ơn xứ sở.

Tôi muốn câu chuyện xứ sở này mãi bồng bềnh như mây trắng bay xa.

TẤN VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét