Đất nước phát triển, đô thị mở rộng, vùng nông thôn xây dựng lên theo tiêu chí nông thôn mới. Những nơi xa xôi, hẻo lánh đi lại khó khăn ngày xưa, nay đều có đường bộ, cầu bê tông cho xe hai bánh, bốn bánh đi lại dễ dàng. Nhiều cầu, đường có gắn bảng tên, như cầu Đường Thét, cầu Tân Mỹ, đường Phạm Hữu Lầu, đường Trường Xuân v.v... Đó là việc làm cần thiết, có ý nghĩa. Song chỗ Tư tôi muốn nói là vẫn còn một số nơi, người cặm bảng do không có lai lịch của tên gọi nơi đó, nên viết sai, làm lệch nghĩa của nó. Ví dụ: Ngày xưa, Cai tổng Nguyễn Đạt Quyền cho đào một con kinh đi tắt từ rạch Ngã Cạy qua sông Cái Sao Thượng, cho khỏi đi vòng, nên người ta đặt tên và quen gọi là Tắt Thầy Cai; có nghĩa con kinh đi tắt do thầy Cai tổng đào. Người cặm bảng không hiểu nên viết là Tắc Thầy Cai (chữ tắc c) làm sai lạc nghĩa. Hay Xép Lá là nơi ở vàm con xép có mấy trại chầm lá, nên bà con đặt tên Xép Lá. Ấy vậy, mà bảng ghi tên cầu, tên đường là Xếp Lá (e thành ê), khiến người ta lầm tưởng có ông xếp nào tên Lá! Tương tự như vậy, Xẻo Vạt trở thành Xã Vạt, Cái Xép thành Cái Xếp, Đồng Điền thành Đồn Điền v.v... chưa nói đến vì không rõ nghĩa nên viết sai chính tả, như Gò Quản Cung thành Gò Quảng Cung (Quản có g), Ba Răng thành Ba Răn, Quản Khánh thành Quảng Khánh v.v...
Tư tôi được biết việc cặm bảng tên cầu, tên đường theo quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ là do Ban Quản lý giao thông đường bộ thuộc Trung ương, tỉnh và huyện thực hiện theo phân cấp. Nơi cặm bảng viết sai nhưng chánh quyền cũng như Nhân dân nơi đó thấy sai cũng không buồn góp ý viết lại cho đúng. Hậu quả dẫn đến người đọc hiểu sai. Tư tôi mong chánh quyền sở tại, bà con và cả cơ quan truyền thông lên tiếng, để các cơ quan có trách nhiệm viết và cặm bảng cho địa danh của ta được hiểu đúng và viết đúng. Mong lắm thay!
Tư Rèn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét