30 thg 10, 2024

Một bậc nữ lưu đáng kính

Bà Lê Thị Thưởng là vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định, người làng Tân Phước, huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là một người phụ nữ chung thủy, tận lực vì chồng con, vì đất nước.

Trước đây, những gì hậu thế biết về bà Lê Thị Thưởng và các con rất ít ỏi, từ nguồn “Đại Nam liệt truyện chính biên” (do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn), Kỳ Xuyên văn sao (Nguyễn Thông), tư liệu của người Pháp và một số giai thoại lưu truyền trong dân gian. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm thêm tài liệu mới từ nguồn châu bản Triều Nguyễn, địa bạ Nam kỳ, tài liệu của các trung tâm lưu trữ ở nước ngoài. Từ đó, hậu thế có thêm một số thông tin quý báu về bà và người con gái.

Năm 1844, Trương Định vừa tròn 24 tuổi, theo cha là Trương Cầm (được bổ chức Thủy vệ vệ úy Gia Định) từ Quảng Ngãi vào Nam. Năm 1845, Trương Định cưới bà Lê Thị Thưởng (Lê Thị Lập), con một nhà hào phú ở Tân Hòa. Khi cha mất, ông ở lại quê vợ lập nghiệp. Trương Định và bà Lê Thị Thưởng có hai người con. Trưởng nam tên Trương Quyền; người con thứ hai là nữ, tên Trương Thị Long.

Những năm 50 của thế kỷ XIX, hưởng ứng chính sách khuyến khích phát triển đồn điền của Nhà Nguyễn, nhờ giúp của tiền bên nhà bà Lê Thị Thưởng, Trương Định mộ dân nghèo lập đồn điền ở vùng Tân Phước, Kiểng Phước, Gia Thuận (Gò Công), nên được phong chức Phó Quản cơ, sau thăng lên Quản cơ, nên thường được gọi là Quản Định.

Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trương Định, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: PV

Trong thời gian Trương Định lãnh đạo cuộc chiến đấu chống giặc Pháp của nhân dân Gò Công và 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, bà Lê Thị Thưởng luôn ở bên chồng, vừa giúp đỡ nghĩa quân về hậu cần, đảm đương việc mua sắm quân lương, khí giới, vừa nuôi dạy hai con. Sau khi Trương Định mất (20/8/1864), con trai là Trương Quyền tập hợp nghĩa quân liên kết với phong trào khởi nghĩa của người Khơ-me chống Pháp mấy năm liền. Bà Lê Thị Thưởng lại tiếp tục góp sức cùng con trai nối tiếp sự nghiệp anh hùng của Trương Định. Tài liệu của tình báo Pháp còn lưu lại cho biết, vào năm 1867, “có người tên Lap chuyển thuốc súng từ Gò Công về Tây Ninh cho thủ lĩnh Trương Quyền”. Người có tên “Lap” đề cập ở đây chính là Lê Thị Lập, một tên khác của bà Lê Thị Thưởng. Năm 1870, phong trào kháng Pháp của Trương Quyền bị dập tắt, “Cậu Hai” (tên thường gọi của Trương Quyền) hy sinh vì nước.

Sau cái chết của chồng và con trai, bà Lê Thị Thưởng phải liên tục trốn tránh sự truy bức của giặc Pháp và tay sai. Nhờ sự giúp sức của sĩ phu yêu nước và nhân dân, bà trở về quê chồng Quảng Ngãi, chăm lo hương khói cho chồng con. Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi lại: “(Trương Định) sau vì thất lợi mà mất, con ông là (Trương) Tuệ cũng chết vì việc quân, vợ (Trương) Định là Lê Thị Thưởng vì không nơi nương tựa nên về quê quán (Quảng Ngãi, quê chồng) làm ăn. Năm (Tự Đức) thứ 27 (1874), quan tỉnh Quảng Ngãi tâu rằng, (Trương) Định là người có nghĩa khí rất đáng khen mà nay vợ của (Trương) Định lại là người nghèo khổ, rất đáng thương. Vậy, xin cấp dưỡng suốt đời cho (vợ Trương Định) mỗi tháng 20 quan và 2 phương gạo... Năm (Tự Đức) thứ 34 (tức năm 1881), lại cấp thêm cho người vợ (của Trương Định) mỗi tháng 10 quan, đồng thời, sai xã ấy phải thỉnh thoảng đến thăm. Khi bà mất, (vua ban) cho 100 quan tiền (để mai táng)” (Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện. Nhà xuất bản Văn học, 2004).

Tài liệu của người Pháp cho biết, vào năm 1891, sau khi bà Lê Thị Thưởng rời khỏi Gò Công, ruộng đất của bà bị người Pháp tịch thu, giao cho một người khác canh tác. Ngày 18/6/1890, có một người đứng tên Trương Thị Long khởi kiện ra Tòa án Mỹ Tho đòi trả lại ruộng đất trước đây của mẹ mình là bà Lê Thị Thưởng (Lê Thị Lập). Theo bản án tuyên bởi Tòa phúc thẩm Sài Gòn ngày 31/1/1895, chính quyền thuộc địa cho rằng, toàn bộ ruộng đất của cha mẹ bà Trương Thị Long đã bị tịch thu theo mệnh lệnh năm 1863 của Phó Đô đốc Bonard, Thống đốc Nam Kỳ, kiêm Tổng Tư lệnh quan viễn chinh Pháp, lý do là ông Trương Định cầm đầu quân khởi nghĩa chống lại bộ máy cai trị, gây nhiều tổn thất cho quân xâm lược Pháp. Vì vậy, tòa án đã bác khiếu kiện của bà Trương Thị Long. Tòa của kẻ xâm lược thì tất nhiên xử thắng cho quân cướp nước. Tuy vụ kiện thất bại nhưng cũng cho thấy bà Trương Thị Long là người gan dạ, dám đương đầu với cường quyền, bạo ngược.

Cho đến nay, năm sinh, năm mất của bà Lê Thị Thưởng vẫn chưa rõ. Mộ bà an vị tại Gò Giếng, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Năm 2024, dòng họ Trương cùng chính quyền sở tại góp công sức trùng tu ngôi mộ khang trang để tưởng niệm và ghi nhớ công lao của một phụ nữ đáng kính, có số phận đặc biệt trong thời buổi đất nước gặp nhiều gian truân cuối thế kỷ XIX.

LÊ HỒNG KHÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét