24 thg 10, 2024

Thú vị nghề lấy mật ong

Ở xã Vĩnh Trung (TX. Tịnh Biên) có một nghề khá đặc biệt, đó là nuôi ong lấy mật. Phóng viên có mặt tại Trại nuôi ong mật rừng tràm Trà Sư ghi nhận được nhiều câu chuyện thú vị với nghề lấy mật ong của những người thợ nơi đây.

TX. Tịnh Biên có địa hình núi, rừng khá dày, nhất là vùng Bảy Núi thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật.




Người dân chọn địa điểm nuôi ong gần nguồn mật, phấn hoa, khoảng cách kiếm ăn hiệu quả từ tổ ong đến nguồn thức ăn khoảng 500 - 700m. Sử dụng loại thùng gỗ có kích thước 45 x 25cm.

Thùng nuôi ong được đặt ở vị trí thoáng mát, cách mặt đất 30cm. Mỗi thùng đặt từ 5 - 6 cầu ong và các thùng cách nhau 3 - 4 m.




Vừa lấy mật ong, chú Nguyễn Văn Tuấn (51 tuổi, ngụ xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) vừa chia sẻ: “Nghề này khá dễ nếu nắm vững kỹ thuật, đồng thời mang lại nguồn thu nhập khá. Tôi đã từng nuôi ong lấy mật, có nhiều năm kinh nghiệm nên đam mê với nghề… Tới mùa có bông tràm sẽ thu hoạch lượng mật ong cao. Mỗi lần giở kèo thấy sáp mật ong đầy nắp là vui lắm”.



Chú Tuấn chia sẻ thêm, nghề này không tốn nhiều công sức nhưng phải kiên trì, theo dõi mỗi ngày. Bởi khi rừng ít bông, ong bay tới đám sen, dưa hấu… ăn dễ bị trúng thuốc, nên phải chăm sóc ong khỏe, mới cho mật tốt. Khi quan sát thấy ong tiêu chảy phải quậy thuốc cho ong uống…


Chú Phạm Hữu Thiệt (60 tuổi, ngụ xã Châu Phong, TX. Tân Châu, làm nghề lấy mật ong ở Tịnh Biên được 4 năm) chia sẻ: “Tôi theo nghề được một thời gian, đam mê lắm với cái nghề thú vị này. Ban đầu chưa quen nên bị ong chích hoài. Mỗi lần bị ong chích sưng tấy đỏ, nhưng khoảng 1 ngày là hết”.

“Đam mê với nghề nên theo đuổi công việc này, đồng lương cũng khá, trang trải được cuộc sống gia đình” - chú Phạm Hữu Thiệt bộc bạch.

Dù chỉ là những người làm thuê, nhưng hễ mỗi khi giở kèo, thấy ong mật đầy nấp là các chú rất vui.


Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu đặc tính của con ong, như: Xây tổ, chia đàn... Đồng thời, cũng cần hiểu biết về các loài hoa; cách luân chuyển đàn ong để tìm kiếm nơi có nguồn mật hoa dồi dào; cách học làm ong chúa, xử lý ong bệnh... Ong thường mắc bệnh bại liệt, tiêu chảy, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời thì ong rất dễ bị lây lan dẫn đến mất cả đàn. Ngoài ra, ong hay bị bọ trĩ cắn, làm suy kiệt gây chết. Do vậy, người nuôi ong phải am hiểu, có kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

HẠNH CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét