Những đám lục bình, mảng cỏ hay những đám rau muống xanh tươi trôi theo dòng nước lũ tựa mình vào con đập tràn (Dự án WB9 - Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nguồn nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long tại huyện An Phú) dọc theo tuyến kênh ở ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu).
“Khi con nước tràn đồng, ếch đồng không còn nơi trú ẩn, di chuyển vào sinh sống ở những bụi cây, đám cỏ dọc theo bờ kênh, ven đường. Lúc này, câu ếch rất thuận lợi, ít tốn chi phí, chỉ cần bỏ công là được. Buổi sáng sớm và xế chiều là thời điểm ếch ăn mạnh nhất’ - anh Nghiệp cho biết.
Thay vì câu ếch bằng lưỡi câu, anh Nghiệp dùng “tuyệt chiêu” câu ếch không dùng lưỡi. Anh chỉ dùng cần câu nối với một sợi dây buộc chặt vào một con ếch nhỏ để làm mồi nhử và một vợt để hứng ếch.
Điều đòi hỏi là cần phải thạo nghề, khi ếch cắn câu phải giật nhanh tay rồi dùng vợt để hứng, tránh để ếch sẩy ra ngoài.
Nói về câu ếch đồng, anh Nghiệp chia sẻ: “Đây là nghề ăn theo con nước, nước lũ về tràn ngập cánh đồng là bắt đầu “hành nghề”. Thời điểm câu được nhiều nhất là vào đầu mùa lũ, vì khi đó ít người câu nên ếch lớn và số lượng ếch câu được cũng nhiều, có lúc câu được từ 15 - 20kg mỗi ngày. Nhưng vào thời điểm này gần cuối mùa lũ, số lượng ếch lớn không còn nhiều, mỗi ngày bình quân câu được khoảng 7 - 10kg”.
Sản phẩm ếch đồng thu được anh mang về làm thành phẩm, tùy loại lớn hay nhỏ mà anh bán với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày.
HỮU HUYNH - NGHĨA THANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét