Địa đạo Vịnh Mốc, nơi sinh sống của quân dân đất thép Vĩnh Linh trong thời kì không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), khu vực Vĩnh Linh giữ một vị trí quân sự quan trọng, là đầu cầu giới tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, cửa ngõ dẫn vào chiến trường Bắc Quảng Trị. Nơi đây có các tuyến vận chuyển chiến lược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, trong suốt những năm 1965 - 1972, Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá với tổng cộng hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại. Tính bình quân, mỗi người dân ở đây đã phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ.
Để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, với khẩu hiệu “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”, quân và dân Vĩnh Linh đã tiến hành đào hệ thống hầm hào, công sự với nhiều công năng như: trụ sở, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, nhà hộ sinh, khu vực sinh hoạt của từng gia đình... Các công trình này được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển và được nối thông với nhau bằng hệ thống địa đạo và giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất. Theo các tài liệu chính thức, dưới làn mưa bom bão đạn, quân và dân Vĩnh Lĩnh đã mất khoảng 18.000 ngày công, đào và vận chuyển hơn 6.000 m³ đất đá để hoàn thành nên công trình kĩ vĩ và đặc biệt này.
Hình ảnh cuộc sống đầy cơ cực trong lòng địa đạo tối tăm và ẩm ướt. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Tính từ cuối năm 1965 đến năm 1968 (theo thống kê chưa đầy đủ), toàn huyện Vĩnh Linh có 114 địa đạo với tổng chiều dài hơn 40 km, hệ thống giao thông hào hơn 2.000km và hàng trăm tiểu đạo khác, trở thành những “làng hầm” lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, thể hiện ý chí “một tấc không đi, một li không rời” của quân và dân đất thép Vĩnh Linh quyết bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu giao thông ra tiền tuyến.
Trong đó, hệ thống địa đạo và giao thông hào Vịnh Mốc được đào ở khu vực thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch, dài hơn 1.060 m (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...); chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8 m, gồm có 13 cửa ra vào (có 6 cửa thông lên đồi, 7 cửa thông ra biển). Dọc hai bên đường hầm có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường (sức chứa từ 50 - 60 người) làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như: bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn…
Du khách vào khám phá bên trong lòng địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Hệ thống đường hầm và các công trình ngầm trong lòng đất của địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng. Tầng 1 có tổng chiều dài 421,82 m, rộng từ 0,90 m - 1,1 m và chiều cao từ 1,6 m - 1,75 m, có độ sâu cách mặt đất 8 - 11 m. Tầng 2 có độ sâu cách mặt đất 11 - 15 m, chiều dài 508,08 m, cao từ 1,6 m - 1,94 m, rộng từ 0,8 m - 1,1 m. Tầng 3 dài 130,35 m, cao từ 1,6 - 1,74 m, rộng từ 0,8 - 1,1 m, sâu cách mặt đất từ 21 - 22,5 m.
Địa đạo là nơi ở của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống. Cuộc sống dưới địa đạo luôn thiếu ánh sáng, các chất liệu dùng để thắp sáng như dầu, mỡ thường phải tiết kiệm để dành cho những lúc cần thiết như hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh…. Không khí trong địa đạo luôn ẩm ướt vào mùa mưa, nóng bức vào mùa hè, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên hầu như ai cũng bị các bệnh về da, xương, mắt. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng địa đạo, để có thể sinh sống an toàn nhằm duy trì nòi giống, các gia đình, dòng tộc, cư dân vùng địa đạo Vịnh Mốc phải chia ra sống ở nhiều hầm khác nhau. Trong điều kiện khắc nghiệt như thế hệ thống địa đạo của “làng hầm” Vĩnh Lĩnh đã chứng kiến sự ra đời đầy kì diệu của 60 đứa trẻ, riêng địa đạo Vịnh Mốc có 17 đứa trẻ đã được sinh ra.
Mỗi cửa hầm, mỗi địa đạo là sự một minh chứng cho ý chí kiên cường "một tấc không đi, một li không rời" của quân và dân Vĩnh Linh trong suốt gần 2.000 ngày đen tối dưới mưa bom bão đạn của không quân Mỹ. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Trong thực tế chiến tranh ác liệt, nhiều hệ thống địa đạo ở “làng hầm” Vĩnh Linh đã từng gánh chịu không ít tổn thất về con người, nhưng riêng địa đạo Vịnh Mốc do được bố trí kiên cố và hợp lí hơn nên không có sự tổn thất nào về người.
Nói về địa đạo Vịnh Mốc, trong bộ phim tài liệu “Một thế giới bên dưới cuộc chiến: Bí mật địa đạo Việt Nam”, nữ đạo diễn người Hà Lan Janet Gardner đã viết rằng: “Những năm 1965, người dân ở một tỉnh miền Trung Việt Nam (tỉnh Quảng Trị - PV) đứng ở tuyến đầu của một cuộc chiến tranh ngày càng tàn khốc. Với họ, chiến tranh đã trở thành một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Nhưng thay vì lựa chọn chạy trốn khỏi ngôi làng của tổ tiên, họ lại kiến tạo nên một loạt đường hầm, kiến tạo nên một thế giới bên dưới cuộc chiến.”
Vĩnh Linh hôm nay, địa đạo Vịnh Mốc bây giờ là địa chỉ hấp dẫn và ý nghĩa trên tuyến du lịch DMZ của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, năm 2014, di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống “làng hầm” Vĩnh Linh đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ngày nay, địa đạo Vịnh Mốc rói riêng và hệ thống “làng hầm” Vĩnh Linh nói chung trở thành một di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo; đồng thời cũng là một địa chỉ hấp dẫn trên tuyến du lịch DMZ (Demilitarised Zone – khu phi quân sự) của Quảng Trị, góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Bài, ảnh: Thanh Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét