Hình ảnh quen thuộc của đồng bào các dân tộc ở Bắc Kạn trong Rằm tháng 7.
Tại Bắc Kạn, phong tục ăn Rằm tháng 7 đã có từ lâu đời, không chỉ dân tộc Tày, Nùng, đồng bào dân tộc Dao cũng đón tháng 7 âm lịch với một ngày tập trung, đón con cháu quây quần. Rằm tháng 7, công tác chuẩn bị cũng được đồng bào sửa soạn từ sớm. Từ ngày 12 tháng 7 âm lịch, các mẹ, các bà đã tỉ mẩn nghiền bột, nặn bánh. Đến ngày 14 âm lịch, trên khắp các bếp lửa bập bùng, nhà nhà rộn rã cùng nhau ép bún truyền thống…
Bản Dao ở Phiêng Lằm (xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn), ngày 13 tháng 7 âm lịch đã rộn rã hơn bao giờ hết. Đồng bào gác lại mọi công việc đồng áng, tất bật chuẩn bị những ngày Rằm tháng 7 no ấm. Gia đình chị Triệu Thị Mụi hôm nay bánh đã treo đầy trong bếp, từ sớm căn nhà đã rộn rã tiếng nói cười. Cũng như những năm trước, hôm nay, nhà chị Mụi và ba gia đình khác lại cùng nhau ép bún chuẩn bị đón con cháu về ăn rằm.
Để làm bún, bà con đã chuẩn bị nhiều bước từ sớm. Gia đình chị Mụi cũng vậy, bước vào tháng 7 âm lịch, chị đã chọn gạo về để sẵn. Chị cho biết, để làm được bún thơm ngon, khâu chọn gạo là đầu tiên và cũng quan trọng nhất. Gạo làm bún là gạo Bao thai Chợ Đồn, hạt to, đẹp.
Gạo sau khi được vo sạch sẽ ngâm nước từ 5-7 ngày, trong lúc ngâm, chị Mụi thường thay nước hằng ngày để đảm bảo hương vị. Đến khi gạo mềm và có mùi chua đặc trưng sẽ được nghiền cùng với nước. Nước và bột sau đó được bọc vào túi lọc, treo lên cho đến khi róc hết nước, tạo thành một khối. Chị Mụi chia bột thành những quả nhỏ, đem luộc với nước sôi khoảng 15 phút thì vớt ra. Người đàn ông trong nhà sẽ cho bột vào cối đá giã nhuyễn. Trong lúc đó, những người phụ nữ đun một nồi nước to, hộ nhau đem chiếc khuôn gỗ to đã được rửa sạch vào bếp và bắt đầu làm bún.
Trong gian bếp đơn sơ, 4 gia đình giúp nhau ép bún. Chị Mụi tỉ mẩn nặn những cục bột thành hình bầu dục trắng, tròn như quả bí phấn, hồ hởi cho từng “quả bí phấn” vào khuôn. Những người đàn ông da rám nắng liền tay xoay chiếc cần gạt. Trên bếp lửa bập bùng, nồi nước to sôi sùng sục, những sợi bún trắng tinh, bóng mịn trải dài. Mỗi lần ép xong một mẻ, khuôn bún được nhấc ra, lát sau, trên mặt nước sôi, bún đã được luộc chín nổi đều lăn tăn đuổi nhau trông thật đẹp mắt. Ngay sau đó, bún được vớt ra ngâm ở chậu nước lạnh, các bà bảo làm như thế sợi bún nguội nhanh, săn chắc và không bị nát.
Chúng tôi cùng hòa mình vào các công đoạn ép bún. Căn bếp nhỏ quyện với khói bếp, không ít mồ hôi đã chảy dài, nhưng dường như niềm vui và nụ cười đoàn kết mới là điều đọng lại lâu hơn cả. Vì làm nhiều công đoạn kỳ công, 4 gia đình chung nhau nên đến trưa muộn chị Mụi mới có thể mang khuôn gỗ đi rửa sạch và cất gọn trong góc nhà.
Bún vừa luộc chín sẽ mang đi ngâm nước lạnh.
Trong gian nhà chính, những em bé háo hức ôm mỗi người một tô bún thịt băm thưởng thức món ăn đặc biệt. Chị Mụi bảo: Ngày 14 âm lịch cả nhà con gái về chơi. Năm nay Rằm vào cuối tuần nên cả làng sẽ đông vui lắm. Thông thường con rể và con gái sẽ thịt vịt, thịt gà và cùng ăn rằm với bố mẹ. Gia đình tôi năm nào cũng làm bún, làm bún này cầu kỳ và nhiều công đoạn nên một năm cũng chỉ làm được một đến hai lần. Bún mình làm sợi to, thơm và rất ngon, ăn được nhiều.
Ngày Rằm tháng 7, bún ép thường được nấu với canh thịt vịt. Canh thịt vịt cũng được chế biến cầu kỳ, vịt sau khi được rán qua mỡ sẽ cắt những phần xương cứng băm nhỏ làm canh. Khi nồi canh sôi sẽ bỏ con vịt vừa rán vào để nước canh thêm ngọt, thịt vịt căng bóng, đẹp mắt. Khi chuẩn bị bày lên mâm, nước canh bún sẽ được cho thêm rau răm, đây là một trong những nguyên liệu đặc biệt cho món ăn đặc sắc này.
Em Hoàng Thị Huệ - con gái của chị Mụi tất bật dọn dẹp căn bếp và nói cười rộn rã: Em đi làm công nhân ở xa, chưa lập gia đình, năm nào cũng mong đến Rằm tháng 7 để được về nhà làm bánh, làm bún. Em đã học được cách làm và nhất định sẽ làm vào những năm tiếp theo.
Bích Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét