24 thg 4, 2020

Yên Thế: Mạch nguồn chảy mãi

Tôi cảm giác trong núi đồi, sông suối Yên Thế (Bắc Giang) còn lưu giữ những hình bóng xưa mà đậm nét nhất là cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp kéo dài ba mươi năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX do cụ Đề Thám lãnh đạo.

Dân gian còn lưu truyền những câu ca dao khắc tạc tên tuổi Hoàng Hoa Thám cùng những tướng lĩnh, nghĩa quân trong cuộc kháng chiến nhiều thăng trầm ấy: Ba mươi năm khắp núi rừng/ Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam.

Barthouet- một sĩ quan Pháp từng tham gia các cuộc hành binh càn quét nghĩa quân Yên Thế đã viết trong cuốn Thảm kịch của người Pháp tại Đông Dương, xuất bản năm 1948: Ông Đề có tài rèn luyện người, đào tạo nghĩa quân trở thành những cấp chỉ huy, những con người hoàn hảo trên chiến trường, dũng cảm và quyết đoán.

Miribel, một quan chức thuộc Phủ Thống sứ Bắc Kỳ thời đó báo cáo về Pháp: Tên tuổi của Hoàng Hoa Thám đã trở thành một biểu tượng được trân trọng trong dân chúng An Nam. Nó đã trở thành một mật hiệu để liên kết tất cả những người bất mãn chống lại chúng ta. 

Lễ hội Yên Thế. Ảnh: An Khánh

Gắn liền với Hoàng Hoa Thám cùng cuộc khởi nghĩa Yên Thế là Di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng công nhận từ năm 2012 ở vùng đất này. Trong 23 điểm di tích thì huyện Yên Thế có 9 điểm được xếp hạng như đình Dĩnh Thép, đền Thề, đồn Hố Chuối, chùa Thông, đồn Phồn Xương, đồn Hom, chùa Lèo, động Thiên Thai và đền Cầu Khoai.

Tất cả vẫn còn đây dấu tích đánh giặc cứu nước bi tráng một thời. Người giúp chúng tôi thấm thía thêm giai đoạn lịch sử oanh liệt mang tên khởi nghĩa Yên Thế là một cô gái duyên dáng, có giọng nói trong trẻo, thuyết minh viên Lăng Thị Tuyết. Giữa đền Thề uy nghiêm, cô gái nói tới cơn mưa thường xảy ra trong lễ hội Yên Thế.

Một cơn mưa gắn với huyền thoại Hoàng Hoa Thám. Theo chúng ta biết từ trước tới nay thì Đề Thám bị giặc Pháp giết chết. Nhưng còn có giả thiết khác bắt nguồn từ câu chuyện lưu truyền trong nhân dân, rằng Hùm xám Yên Thế và những tướng sĩ tâm phúc của ông bị giặc vây trong một khu rừng rậm.

Chẳng tìm được Đề Thám, bọn chúng đốt rừng, hy vọng lửa sẽ thiêu cháy ông và tướng quân đi theo. Khi lửa bốc cháy rừng rực thì bỗng nhiên trời đổ cơn mưa lớn và ông được cứu sống. Câu chuyện trùng khớp với lời nguyền sắt đá của vị chủ tướng ngoan cường tài ba Hoàng Hoa Thám: Tôi dù chết không thể nào hàng giặc... Tôi chết thì có trời đất biết, núi rừng biết...

Đấy là chuyện xưa, thực thực hư hư. Nhân dân có cách lý giải của mình về sự bất tử của những anh hùng hy sinh vì đất nước. Hôm nay, Yên Thế không muốn để di tích lịch sử chỉ là dấu vết của quá khứ mà biết đưa nó vào cuộc sống hiện tại sôi động và cả tương lai.

Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Yên Thế Triệu Văn Phượng say sưa nói với chúng tôi về kết quả bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế gắn với phát triển du lịch.

Từ Nghị quyết 101 của Ban Thường vụ Huyện uỷ ngày 15-10-2019, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, điều chỉnh quy hoạch khu di tích động Thiên Thai (xã Hồng Kỳ) phục vụ cho việc đưa thi hài Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về chôn cất tại đây; chuẩn bị các điều kiện giải phóng mặt bằng 5 nghìn m2 tại Khu di tích đền Thề, đồn Phồn Xương nhằm xây dựng các công trình như đình ba tầng mái, đền Thề, đồn Phồn Xương...

Trong khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, chúng tôi thấy có gian trưng bày bán đồ lưu niệm, các đặc sản của địa phương. Du khách đến với di tích sau khi được thắp nén hương tưởng niệm những người hy sinh vì đất nước và tham quan Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế sẽ được mua những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này.

Du lịch Yên Thế đang có những khởi sắc. Khách đến đây có thể thoả mãn nhu cầu về tâm linh, trải nghiệm cuộc sống với các di tích, di sản, thắng cảnh, lễ hội, ẩm thực...

Mật độ di tích, di sản khá đậm đặc trên vùng đất Yên Thế; ngoài những địa chỉ gắn liền với cuộc khởi nghĩa quật cường do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo như đã kể trên ta không thể không nhắc tới thác Ngà, cây lim xanh nghìn tuổi, lễ hội đình Xuân Lung, đồi chè bản Ven... 

Tuổi trẻ Yên Thế nêu cao tinh thần thượng võ của cha ông. 

Giữa vùng đất nhấp nhô đồi núi, không gian tĩnh vắng, du khách sẽ được thưởng thức và mang về làm quà những đặc sản nổi tiếng đã có thương hiệu của vùng sơn địa này như gà đồi Yên Thế, chè búp, chè vàng bản Ven, mật ong hoa rừng, rượu Sơn Lâm Tửu, rượu Loan Hồng...

Những sản vật như đã được kết tinh từ vỉa đất, mạch nước, mưa nắng, khí trời Yên Thế mang nhựa sống nghìn năm và những trầm tích linh diệu. Đó cũng là kết quả lao động tần tảo, sáng tạo của con người Yên Thế cởi mở, hiếu khách.

Lễ hội Yên Thế là điểm nhấn của du lịch huyện nhà, được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 Dương lịch hằng năm. Đến với lễ hội, du khách không những được biết đền Thề, nơi mỗi khi xuất trận các nghĩa binh đều cắt máu ăn thề mà còn tận mắt thấy dấu tích luỹ thành đắp bằng đất thô sơ đã rêu phong cũ kỹ.

Ta sẽ thấy bóng xưa thấp thoáng trong những di tích đồn Hố Chuối, đồn Hom... được vãn cảnh chùa Lèo, chùa Thông, đình Dĩnh Thép, đền Cầu Khoai nơi các nghĩa quân đàm đạo, bày mưu tính kế đánh giặc Pháp.

Đến lễ hội ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đằm thắm của các cô gái mặc trang phục dân tộc, biết thế nào là tục phóng ngư thả điểu, xem cưỡi ngựa bắn nỏ, chọi gà, chọi dê, cờ người lý thú và hấp dẫn cùng với các trò kéo co, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu... Cuộc sống xa xưa như đã được tái hiện lại sinh động trong lễ hội.

Cái cảm giác xưa mà nay, cũ mà mới, xa mà gần, quá khứ mà hiện tại hiện lên đậm nét trong tôi qua những lần về Yên Thế. Mới biết ai quay lưng lại với quá khứ lịch sử dân tộc, ai buông bỏ những giá trị cốt lõi của văn hoá truyền thống sẽ mãi mãi không lớn nổi thành người.

Yên Thế là một minh chứng sinh động cho sự kết nối xưa - nay, những năng lượng của cuộc sống hôm nay vẫn có một phần trích xuất, bổ sung từ nguồn cội. Đứng dưới Tượng đài Hoàng Hoa Thám tôi cảm nhận rất rõ những điều đó.

Lớp trước lớp sau, ai cũng được truyền dẫn vào mình lòng yêu nước, thương dân nồng nàn. Đó chính là sức mạnh sâu xa và bất tận của dân tộc Việt Nam mà kẻ nào nuôi dã tâm xâm lược giang sơn này sẽ phải trả giá dù có lớn mạnh đến đâu. Trong ánh nắng cuối đông, tôi ngước mắt ngắm nhìn tượng đài.

Hoàng Hoa Thám - người đã bất tử như những dòng thư gửi cho tên quan Pháp trong trận Hố Chuối ngày 22-11- 1890: Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi, chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng. Tinh thần ấy mãi mãi sống cùng dân tộc này, đất nước này, từ Yên Thế địa linh.

Nguyễn Hữu Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét