22 thg 4, 2020

Ký sự sông Cầu (kỳ 3): Dòng sông kêu cứu

Lời kể của các cụ cao niên về độ cạn kiệt của dòng sông Cầu đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Dòng sông qua thi ca, đoạn chảy qua vùng đất Bắc Kạn đang đứng trước sự xâm hại từ nhiều phía. Sông đang lên tiếng cầu cứu con người phải biết trân trọng, bảo vệ...

Ông Đặng Văn Oanh, thôn Nà Cà 1, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) là một tay đánh cá lão làng trên sông Cầu. Cuộc mưu sinh bằng nghề chài, lưới trên sông đã giúp ông và gia đình vượt qua những ngày gian khó nhất của thời kinh tế khó khăn. Cho tới tận bây giờ tôm, cá đánh bắt được trên sông trở thành đặc sản thì giá lại càng đắt đỏ. Thế nhưng, đánh bắt tôm, cá bây giờ chẳng còn dễ như xưa.

Ông Oanh buồn nói: Những năm trước đi quăng đánh cá một lúc là đầy giỏ, còn giờ trắng đêm có khi chỉ đủ bữa ăn cho gia đình. Có nhiều loài cá đã biến mất, chẳng còn thấy bao giờ. Đang vá lại cái chài đánh cá bỏ lâu rồi bị chuột cắn rách ông bảo: Cứ thế này thì gay!

Hầu hết những người chài lưới giỏi trên sông Cầu đều có đủ bộ chài, lưới gồm: chài lưới 1 để đánh cá từ 01kg trở lên; lưới 2 để đánh cá to cỡ bàn tay; lưới 3 đánh cá cỡ 3 ngón tay và lưới 4 đánh cá nhỏ hơn như cá mương. Thế nhưng giờ hầu như chài, lưới bỏ không vì chẳng còn mấy tôm cá. Tình trạng đánh cá bằng xung điện đã tận diệt vô số loài cá quý trên sông.

Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND huyện Chợ Mới trong 6 tháng đầu năm 2013 thì tình trạng đánh cá bằng kích điện đang ngày càng gia tăng. Ngày trước muốn qua sông không dùng thuyền thì bè mảng nếu không cũng phải là tay bơi lão luyện mới dám nhảy xuống dòng nước sâu xanh màu rêu ấy. Ấy vậy mà giờ nhiều đoạn, trẻ con xắn quần lội qua như không. Nước cạn quá rồi, việc xung điện bắt cá có một thời bị thả nổi.

Nhiều vùng chúng tôi đi qua như Rã Bản (Chợ Đồn), người dân nói rằng có những loài cá đã lâu lắm rồi không còn nhìn thấy nữa. Đáng nói là tình trạng đánh cá bằng xung điện vẫn diễn ra. Những người đánh cá bằng xung điện thường chỉ đi dí điện vào tầm sau 12h đêm khi mà dân bản đã ngủ hết. Phương thức đánh cá này tiêu diệt toàn bộ cá lớn, cá bé trong phạm vi ảnh hưởng của dòng điện. Vì thế không có gì lạ khi thủy sản trên sông Cầu đã gần như cạn kiệt. 

Ông Đặng Văn Oanh bên những lưới đánh cá giờ chẳng mấy khi dùng đến vì sông ngày càng ít cá. 

Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Bắc Kạn Nguyễn Thị Thỏa trong cuộc nói chuyện với chúng tôi đã phải nêu lên nỗi lo về việc sông Cầu ngày càng cạn nước. Trước đây, công ty chỉ cần thu nước ngay trên sông chính. Nhưng đến năm 2007, nước cạn thì đã phải chuyển vào đặt các cửa thu trên nhánh sông lạnh từ Đôn Phong chảy xuống. Trước mắt, lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, nếu tốc độ cạn của sông tiếp tục nhanh như thế thì không lâu nữa nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Bắc Kạn tương lai sẽ gặp khó khăn. Việc thu nước sẽ phải lấy thêm bên nhánh sông nóng từ Chợ Đồn sang nhưng do nước ngày càng ô nhiễm, việc lọc sẽ tốn thời gian hơn, giá cả nước thương phẩm vì thế cũng sẽ đắt đỏ hơn. Thiếu nước sạch bên một dòng sông là điều tưởng vô lý nhưng nguy cơ đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Quan điểm của Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Bắc Kạn cũng là điều mà Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ Hoàng Đức Hoan đồng tình. Ông cho rằng, nước sông đã cạn đi quá nhiều trong khi ý thức bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn còn rất kém. Tất cả dồn xuống sông hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới dòng nước đang khiến sông ngày càng ô nhiễm.

Sông Cầu đoạn qua Bắc Kạn đang phải chịu nhiều áp lực về môi trường. Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu thì thời gian qua có 4 vấn đề môi trường bức xúc trực tiếp ảnh hưởng tới sông Cầu tại Bắc Kạn. Đó là chưa xây dựng được khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung do vậy nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra sông Cầu. Tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác thải nên nguy cơ ảnh hưởng lớn tới nước mặt, nước ngầm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó ý thức bảo vệ của một số đơn vị, doanh nghiệp còn thấp. 

Rác thải đổ xuống ven sông Cầu. 

Hầu hết các xã chúng tôi đi qua trong hành trình đều nhận thấy ý thức bảo vệ môi trường sông Cầu còn thấp. Tình trạng khai thác cát sỏi tự phát diễn ra thường xuyên. Rác thải sinh hoạt thậm chí cả gia súc, gia cầm chết cũng được vứt xuống sông. Vấn đề lớn nhất là hầu hết các bệnh viện và bãi rác ở các địa bàn sông Cầu đi qua đều chưa được xây dựng đạt chuẩn. Đây là mối đe dọa lớn đối với môi trường nước sông.

Thời gian trước đây, Xí nghiệp Gạch Pá Danh; dây chuyền sản xuất giấy đế - Công ty cổ phần Lâm sản Bắc Kạn; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn; bãi rác thị xã Bắc Kạn là những điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó có 02 điểm nằm trên lưu vực sông Cầu, đến nay địa phương đang lập dự án khắc phục các điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên do nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hạn chế, nên chỉ lập dự án xử lý đối với điểm ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tại 01 địa điểm là huyện Chợ Mới. Bên cạnh đó ý thức chấp hành công tác bảo vệ môi trường của một số đơn vị, doanh nghiệp chưa cao. Một số doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế, chưa chú tâm nhiều đến công tác bảo vệ môi trường.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thanh Oai- Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ môi trường Bắc Kạn cho rằng, kiểm soát quy trình bảo vệ môi trường tại các cơ sở, nhà máy là điều khả thi nhưng xử lý nước thải sinh hoạt mới là vấn đề mang tính cốt yếu, dài lâu nhưng lại rất khó thực hiện. Lượng nước thải sinh hoạt từ các đô thị, nông thôn đổ ra sông Cầu lớn nhưng lại chưa được xử lý. Trong nước thải sinh hoạt lẫn vô số tạp chất hóa học từ bột giặt, nước rửa bát, dầu, mỡ… là những tác động tiêu cực đến môi trường nước sông, đang là tồn tại lâu nay. Quá trình tích tụ sẽ khiến môi trường ô nhiễm. Bảo vệ môi trường sông Cầu đang cần sự vào cuộc của các cấp các ngành chức năng và cả cộng đồng. (còn nữa)

Tuấn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét