16 thg 4, 2020

Làng thêu Quất Động

Làng thêu Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng bởi chuyên thêu các trang phục cung đình thời phong kiến. Ngày nay, những sản phẩm thêu tay sắc màu rực rỡ, khắc họa nét đẹp đất nước con người Việt Nam được bạn bè quốc tế gần xa ưa chuộng, tin dùng. 

Ông tổ nghề Thêu của làng Quất Động là tiến sĩ Lê Công Hành sống ở thế kỷ XIV. Một lần đi sứ sang Trung Quốc, ông học được nghề thêu và mang những hiểu biết, kiến thức đã học được về truyền lại cho dân làng. Trải qua thời gian, người dân trong làng đã sáng tạo ra nhiều mẫu mới, đưa nhiều chủ đề vào tranh thêu với các nội dung thể hiện nếp sinh hoạt trong đời sống của người Việt. Trình độ thêu tay ở Quất Động cũng từ đó đạt đến độ tinh xảo và điêu luyện.

Sau công việc của nhà nông là trồng lúa thì người dân trong làng Quất Động tập trung làm nghề thêu. Đến Làng Quất Động, trong mỗi gia đình đều có khung thêu truyền thống. Nhiều gia đình có đến 7 thế hệ làm nghề thêu.

Làng nghề thêu tay Quất Động có nhiều người dân các tỉnh về học. Ảnh: Trịnh Bộ


Nghề thêu truyền thống đào tạo nhiều học viên từ các tỉnh lân cận. Ảnh: Trịnh Bộ

Thông thường người nghệ nhân phải mất 3 đến 4 ngày mới thêu xong một bức tranh.Ảnh: Trịnh Bộ

Công đoạn vẽ mẫu thêu trên vải rất khó, vì vậy nghệ nhân thêu gần như phải đồng thời là họa sĩ. Ảnh: Trịnh Bộ

Nghệ nhân làng nghề thêu tay Quất Động giới thiệu tranh phong cảnh thiên nhiên Vịnh Hạ Long đến bạn bè thế giới. Ảnh: Trịnh Bộ 

Từ cách thức làm thêu của hộ gia đình, Làng Quất Động đã mở rộng thêm nhiều hợp tác xã, các xưởng thêu chuyên nghiệp quy tụ từ 200 đến 500 thợ lành nghề. Nhiều người đã trở thành những nghệ nhân có tên tuổi tại Việt Nam và được bạn bè quốc tế biết đến như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, nghệ nhân Thái Văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung về các nguyên thủ quốc gia.

Nghệ Nhân Nguyễn Xuân Dục là một trong những người có trình độ và kinh nghiệm lâu năm tại làng cho biết: “Tiêu chí cho một bức tranh thêu đẹp là các đường chân kim không bị lộ, đường nét phải rõ ràng, đặc biệt là phải có sự hòa quyện, kết hợp hài hòa giữa các màu sắc”. Mỗi chủ đề tranh thêu lại có những bước đột phá trong kỹ thuật và nội dung thể hiện. Tranh thêu Quất Động được làm hai mặt trên chất liệu voan mỏng, dùng chỉ thêu bằng tơ tằm. Nhìn vào bức tranh thêu hai mặt, người xem không thể nhận ra đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc bởi những chân chỉ được các nghệ nhân giấu vào chính giữa. Vì thế khi xem tranh, người xem thấy hình ảnh phong cảnh thiên nhiên hay chủ đề sinh hoạt đời thường giống như đang trải nghiệm xem một bức ảnh chân thực.

Các tác phẩm nổi bật của làng thêu Quất Động luôn thấm đẫm hơi thở cuộc sống với chủ đề như: cây đa, bến nước, con thuyền và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế...Nghệ nhân Quất Động kết hợp hài hòa giữa những câu chuyện văn hóa với sắc màu tươi sáng của chỉ màu tạo nên những bức tranh thêu thấm đẫm văn hóa Việt.

Một số tranh thêu của làng Quất Động:














Bài: Bích Vân - Ảnh: Trịnh Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét