6 thg 4, 2020

Thiền viện Toàn Giác ở Trảng Bom

Thật tình là trước đây tui chưa hề biết hay nghe nói gì đến ngôi thiền viện này, cho đến khi tui đi tìm ngôi chùa mang tên chùa Đèn Cầy, tức Viên Giác thiền tự, ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom. Trên đường đi tìm Viên Giác thiền tự, tui gặp một cổng chùa không phải Viên Giác mà là Toàn Giác. Dường như là khuôn viên chùa khá rộng, vì xe chạy lòng vòng khá xa thì lại thấy tiếp một cổng thiền viện Toàn Giác nữa!

Cổng tam quan Thiền viện Toàn Giác

Khi tìm hiểu về Viên Giác thiền tự, tui lại phát hiện thêm một chi tiết: vị sư sáng lập ra Viên Giác thiền tự và hiện là trụ trì nơi đây vốn xuất thân tu tập ở Toàn Giác thiền tự. Vậy là tui tò mò quay trở lại xã Giang Điền để viếng ngôi Toàn Giác thiền tự.

Thiền viện Toàn Giác tọa lạc trên một khu đất rộng của vùng rừng tràm thuộc khu vực sông Buông, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Thông tin trên website của thiền viện ghi là khu đất rộng gần 50 ha, không biết có chính xác không nhưng quả là bước qua cổng chùa là thấy cả vùng rừng mênh mông. Trên khu rừng tràm mênh mông ấy, các công trình kiến trúc của chùa không khoa trương đồ sộ mà uy nghiêm, thanh tịnh giữa thiên nhiên bao la khiến cho khách viếng chùa cảm thấy lòng mình bình yên, lắng dịu. Nhà chùa đặt cho mình cái tên là "Vườn thiền - Cảnh tịnh - Chuyên tu", thật là phù hợp.



Khuôn viên Thiền viện rất rộng với cảnh quan xanh ngát, yên bình.

Chùa nằm ở bên bờ sông Buông. Sở dĩ nơi này có tên như vậy vì có nhiều cây buông, tức cây cọ. Ngày xưa, năm 1993 có một am nhỏ được hình thành với mái lá đơn sơ, nằm hiền hòa bên những con suối nhỏ, nép mình dưới hàng cây buông xanh thẳm. Đó chính là tiền thân của Toàn Giác thiền tự.

Ngày nay vẫn còn đó những cây buông xanh thẫm ở khuôn viên chùa

Từ năm 1997, chùa khởi công xây dựng chánh điện, rồi đến xây dựng nhà tổ. Tiếp theo là các công trình khác như trai đường, tăng đường, tháp chuông... Năm 2005, chùa đúc thêm 108 tượng đài Quan Âm cao khoảng 4 m xung quanh Thiền viện để tu tập thiền hành và học theo hạnh từ bi cứu khổ của Đức Quan Thế Âm. Đầu năm 2014, đúc Đại Hồng Chung nặng khoảng gần một tấn ở khu vực tháp chuông và tiếp tục hoàn tất công trình bằng việc xây dựng thiền đường, cổng tam quan và một số cơ sở phụ khác.

Chánh điện chùa

Hàng tượng Quan Âm, từ trong chùa nhìn ra

Hàng tượng Quan Âm, từ cổng chùa nhìn vào

Đúng với tên gọi "Vườn thiền - Cảnh tịnh - Chuyên tu", bạn đến đây không phải để chiêm ngưỡng những công trình đồ sộ, những kiến trúc tinh xảo mà để cảm thấy mình nhỏ bé nhưng hài hòa với thiên nhiên, cảm thấy mình bình yên giữa tiếng chuông chùa ngân vọng...


Bình yên bên hồ, giữa rừng tràm, dưới chân Đức Quan Thế Âm Bồ tát

Một chi tiết nhỏ: Thiền viện Toàn Giác cách Khu Du lịch Vườn Xoài hơn 5 km, cách Khu Du lịch Thác Giang Điền khoảng 2,5 km, vì vậy nếu có đến một trong hai nơi này bạn có thể dành thêm ít thời gian viếng Thiền viện Toàn Giác. Nên lắm!

Và bạn có thể ngồi xích đu cho Phật Bà Quan Âm xem. Tại sao không?

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: