22 thg 4, 2020

Ký sự sông Cầu (kỳ 4): Chung tay bảo vệ dòng sông

Việc bảo vệ dòng sông Cầu không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ của các ngành chức năng. Cần lắm sự vào cuộc của mỗi người dân để dòng sông giữ mãi vẻ trong xanh, phục vụ bền vững cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của một nửa dân số tỉnh Bắc Kạn.
Trong hành trình tới xã Rã Bản (Chợ Đồn) chúng tôi đã rất đồng tình với việc làm của UBND xã. Theo đồng chí Triệu Văn Nguyên- Chủ tịch UBND xã, xã thường xuyên phổ biến, đôn đốc người dân các thôn tập trung thu gom, phân loại rác tại từng hộ gia đình. Rác hữu cơ để phân hủy làm phân bón, rác vô cơ thì đốt tập trung tránh tình trạng vứt bừa bãi xuống sông Cầu. Một việc làm nhỏ ấy lại mang ý nghĩa to lớn trong bảo vệ dòng sông cần được các xã trong lưu vực sông Cầu học tập.

Nói về bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Bế Ngọc Hùng cho rằng, cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân; đẩy mạnh trồng rừng và tập trung xử lý rác thải, nước thải đô thị. Trong năm 2013, Chợ Mới đã trồng được khoảng 1.600ha rừng; tiến hành xử lý bãi rác thị trấn và sắp tới sẽ lắp đặt lò đốt rác thải.

Đề án tổng thể bảo vệ sông Cầu đã triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ mà trong đó sự đóng góp của Bắc Kạn bằng những hành động cụ thể là rất lớn. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch 128/KH- UBND ngày 3/6/2011 về việc triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011- 2015. Mục tiêu là nâng tỷ lệ rừng được che phủ; khôi phục rừng đầu nguồn đảm bảo đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung ở thị xã Bắc Kạn; các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; phục hồi cải tạo môi trường các khu vực khai thác khoáng sản theo đúng các dự án được duyệt.

Đi vào thực hiện, Bắc Kạn đã điều tra, thống kê, đánh giá chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải y tế để xây dựng phương án xử lý; quan trắc môi trường hàng năm với 6 điểm phân tích nước sông Cầu và 4 điểm phân tích nước suối đổ vào sông Cầu. Tỉnh đã kiểm tra 23 đơn vị và xử phạt hành chính 01 đơn vị; năm 2011 xử phạt 2 đơn vị thi công đường 257 đổ đất đá xuống sông Cầu; lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cơ quan thẩm quyền xử lý 4 cơ sở gây ô nhiễm sông Cầu. 

Bắc Kạn đạt 100% tỷ lệ khu công nghiệp có Nhà máy xử lý nước thải (ảnh: Nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thanh Bình, Chợ Mới) 

Bắc Kạn đã đầu tư 4 dự án gồm cải tạo bãi rác Khuổi Mật (thị xã Bắc Kạn); xử lý ô nhiễm bãi rác Chợ Mới; xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh thị xã Bắc Kạn; xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới). Bên cạnh đó là xây dựng mô hình bãi chôn lấp, xử lý rác quy mô cấp xã (thực hiện được tại 02 xã thuộc lưu vực sông Cầu: Phương Viên, huyện Chợ Đồn và Cẩm Giàng của huyện Bạch Thông). Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu thì trong 5 năm qua, Bắc Kạn đã thực hiện khá tốt 7/10 mục tiêu mà đề án tổng thể bảo vệ sông Cầu đã đề ra. Đối với trồng rừng, tỉnh triển khai các nhiệm vụ điều tra, lập và phê duyệt dự án Đầu tư trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng lưu vực sông Cầu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010-2015 với nội dung bảo vệ 91.533 ha rừng hiện có (rừng tự nhiên 71.240 ha, rừng trồng 20.293 ha), trồng rừng 16.173ha; bình quân khoảng 3.234ha/năm (thực hiện trong 5 năm: 2011-2015).

Cho đến hết năm 2012, tỷ lệ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2012 đạt 100%; tỷ lệ nâng độ che phủ của rừng toàn lưu vực, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái đã đạt 70%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp đạt 80%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải nguy hại đạt 60%; tỷ lệ thu gom xử lý chất thải bệnh viện đạt 80%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%. Tuy nhiên, còn có 3 mục tiêu gồm tỷ lệ khắc phục khai thác cát sỏi trong sông không theo quy hoạch, bảo vệ mặt cắt ổn định tự nhiên của sông; tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải và tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải thì chưa có hoặc gặp khó khăn trong triển khai.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, nguồn vốn cho việc triển khai các chương trình dự án theo kế hoạch thực hiện đề án Sông Cầu của tỉnh Bắc Kạn còn nhiều hạn chế, vì vậy việc triển khai các dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông rất khó khăn, trong đó có việc các danh mục dự án các tỉnh đã đăng ký nhưng chưa được phê duyệt để thực hiện, đặc biệt là đối với công tác xử lý chất thải, dự án xử lý nước thải tập trung. Công tác thống kê, xác định các nguồn thải trong lưu vực sông Cầu trên địa bàn chưa được điều tra, cập nhật thường xuyên. Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để tiến hành kiểm soát chất lượng môi trường của Trung tâm quan trắc môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ nên một số chỉ tiêu phân tích phụ thuộc rất nhiều vào các trung tâm quan trắc và phân tích môi trường của Trung ương.

Từ nay cho tới 2015 mục tiêu của Bắc Kạn là từng bước hạn chế các nguồn thải chưa qua xử lý vào lưu vực sông; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có trên cả 3 loại rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng mới tập trung và cây phân tán; 70% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các huyện nằm trên lưu vực sông Cầu được cấp chứng chỉ ISO 14001; thu gom 90% chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt; xử lý 60% chất thải nguy hại, trong đó riêng chất thải bệnh viện đạt 100%; hỗ trợ sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp

Từ năm 2016- 2020 mục tiêu là 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận ISO 14001; 95% chất thải rắn và 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; khôi phục rừng đầu nguồn đảm bảo đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung ở thị xã Bắc Kạn; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; phục hồi cải tạo môi trường các khu vực khai thác khoáng sản theo đúng các dự án được duyệt.

Những mục tiêu ấy đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho mỗi người dân và các cơ quan chức năng trên địa bàn. Đó là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sinh thái, cảnh quan lưu vực sông; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường lưu vực sông; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Có như vậy sông Cầu nơi thượng nguồn mới mãi mãi xanh trong. (Hết)
Tuấn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét