5 thg 4, 2020

Cánh đồng muối đẹp như tranh

Diêm dân vùng Đông Hải trúng mùa vì nắng nóng, cùng nhau miệt mài lao động từ lúc bình minh trên những cánh đồng muối. 

Những ô ruộng muối nối tiếp, trải dài nhìn từ trên cao tại xã Long Điền. Nơi này thường được biết đến với tên gọi đồng muối Đông Hải, thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Nhiếp ảnh gia Trần Minh Lương (Cần Thơ) vừa có chuyến sáng tác tại những ruộng muối ở Bạc Liêu vào trung tuần tháng 3/2020 chia sẻ bộ ảnh về những vẻ đẹp trong nghề làm muối. 


Những ruộng muối ở ven biển nhìn từ trên cao. Làm muối là nghề vất vả, thấm đượm mồ hôi. Trước khi vào sản xuất, diêm dân phải trữ nước và làm sân phơi thật kỹ, cải tạo bằng xe cơ giới, lu phẳng để mặt sân chắc chắn. Đây là công đoạn làm đất trước khi dẫn nước biển vào ruộng. 

Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, tập trung tại hai huyện Đông Hải và Hòa Bình. Người dân làm muối theo 2 phương pháp. Cách truyền thống là làm trên nền đất đen (muối đen) và phương pháp trải bạt, cho ra hạt muối trắng hơn và giá trị kinh tế cao hơn. 

Muối Bạc Liêu sản xuất mỗi năm một vụ, bắt đầu khoảng tháng 12 – tháng 4 năm sau, trước khi mùa mưa bắt đầu. Trong vụ muối 2019-2020, diêm dân Bạc Liêu sản xuất 1.670 ha muối, sản lượng ước đạt 50.000 tấn (muối trắng khoảng 4.700 tấn). 
“Năm nay muối trúng mùa, được giá. Nắng nóng, nhiệt độ cao làm thời gian kết tinh của muối nhanh, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất” - ông Trần Văn Nghĩa, người gắn bó hơn 35 năm với nghề muối tại ấp An Điền, xã Long Điền, cho biết. 

Sau 12 - 18 ngày, nước biển bốc hơi tạo thành muối. Lúc này diêm dân dùng cào thu hoạch muối. Họ thường cào vào sáng sớm hoặc đầu giờ chiều. Sau đó để khoảng 3 - 4 giờ cho rút nước rồi đổ muối vào xe đẩy, vận chuyển đến nơi tập kết. 

Diêm dân dùng xe đẩy vận chuyển muối đến nơi tập kết. 

Ngoài xe đẩy, cần xé là dụng cụ thiết yếu để đựng muối trong quá trình thu hoạch. Mỗi cần xé muối có trọng lượng 40kg, đôi khi cần xé trượt xuống làm trầy vai người vác, muối xát vào da nhưng các diêm dân vẫn bám nghề. 
“Người làm muối luôn cầu mong nắng gắt, trời thương cho nắng nhiều thì cào muối có lãi”, anh Lĩnh, người vác cần xé muối phía sau ảnh chia sẻ. 

Những đống muối lớn là thành quả lao động cực nhọc của diêm dân. Theo những người làm việc tại đây, giá muối đen được thương lái mua tại ruộng từ 800-900 đồng một kg, muối trắng từ 1.200-1.400 đồng mỗi kg. 

Bình minh trên đồng muối Đông Hải. 

Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý muối Bạc Liêu (muối ăn) là thương hiệu quốc gia. Đây cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu, có thương hiệu trong nước và các hội chợ quốc tế. 

Nhà tạm của diêm dân để trông coi ruộng muối. Nghề làm muối Bạc Liêu đã trải qua 100 năm, gắn chặt với đất và người. 

Nhằm khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu và tôn vinh nghề làm muối của diêm dân Bạc Liêu, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã hoàn tất hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể cho nghề làm muối.

Trần Minh Lương – Huỳnh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét