29 thg 4, 2020

Cây nhập nhân ở chùa Vĩnh Nghiêm

Du khách tham quan ngôi chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thường được nghe các nhà sư, hướng dẫn viên ở đây giới thiệu về một cây hoa trong khuôn viên chùa mang cái tên độc đáo. Đó là cây nhập nhân gắn với bao điều kỳ lạ.

Cây hoa này tọa lạc trong vuông đất nhỏ ngay sau tòa tam bảo, thoáng nhìn giống loài mai tứ quý nhưng cành mảnh mai, ít lá hơn. Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, các thế hệ nhà sư trụ trì ở đây cũng như người cao niên trong vùng vẫn truyền khẩu cây hoa này đã có khoảng 700 năm tuổi, gần bằng tuổi của ngôi chùa. Mặc dù “cụ” có tuổi khoảng 7 thế kỷ nhưng hiện nay không hề già cỗi mà vẫn xanh tươi.

Du khách tham quan cây nhập nhân. 

Hằng năm, cây nhập nhân nở hoa vào tháng Ba, tháng Tư âm lịch, rộ nhất là khi diễn ra lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm. Hoa màu trắng, cánh mỏng hơn hoa nhài, ẩn sau vòm lá. Điều kỳ lạ là hoa chỉ tỏa hương thơm mát, dìu dịu khi có hơi người.

Cũng theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, ngày xưa chưa có nước hoa, người ta thường lấy hoa nhập nhân cài trên tóc, mang trên mình để hoa tỏa hương thơm ngát, khiến cho tâm hồn thanh tịnh hơn khi đến lễ chùa, vì thế mới có tên cây nhập nhân.

Có lẽ bởi sự thanh tao đó mà việc chăm sóc cây nhập nhân ở đây cũng không cầu kỳ, chỉ cần tưới nước sạch, đủ ẩm là cây phát triển tốt. Vài lần, có những người không biết đã dùng nước bẩn hoặc bón phân cho cây, y như rằng mùa xuân năm sau, cây không nảy lộc, đơm hoa.

Mặc dù cây nhập nhân ở chùa Vĩnh Nghiêm luôn tươi tốt, cao hơn 2 mét nhưng có điều kỳ lạ là các đầu cành chưa bao giờ “được phép” vươn cao hơn mái tòa tam bảo liền kề. Trước đây có lần một ngọn nhập nhân “quá đà” vươn cao hơn nhưng đến mùa mưa, sét chỉ đánh gãy riêng cành đó trong khi cây vẫn xanh tươi khiến ngôi chùa thêm linh thiêng.

Lời đồn về cây nhập nhân quý lan truyền, nhiều người đã cố gắng chiết cành nhân giống về trồng nhưng chỉ được thời gian ngắn là các cây con đều bị chết. Cũng theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, đây là loại cây quý hiếm, rất mong các nhà khoa học nghiên cứu để có cách bảo vệ, góp phần tô điểm thêm cho ngôi chùa được mệnh danh là “danh lam đứng đầu trong thiên hạ”.

Cao Minh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét