6 thg 4, 2020

Ý nghĩa tâm linh của Duyệt Thị Đường

Có tầm vóc như “ngôi đền thiêng” của nền nghệ thuật cung đình nhà Nguyễn, mỗi đường nét kiến trúc của Duyệt Thị Đường đều ẩn chứa những ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện sự tôn thờ cái đẹp của đấng quân vương.

Nằm bên trong Tử Cấm Thành Huế, Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm 1826, triều vua Minh Mạng, là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Công trình là nơi biểu diễn các vở tuồng cung đình dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan khách thưởng thức.
 
Có tầm vóc như “ngôi đền thiêng” của nền nghệ thuật cung đình nhà Nguyễn, mỗi đường nét kiến trúc của Duyệt Thị Đường đều ẩn chứa những ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện sự tôn thờ cái đẹp của đấng quân vương

Vể tổng quan, nhà hát hình chữ nhật, rộng rãi với bộ mái có bờ quyết cong, mang đẩy vè tôn nghiêm như những đền chùa ở Huế

Ở bên trong, công trình được chống đỡ bởi hai hàng cột lim sơn son, vẽ rồng ẩn mây cuốn xung quanh và được chia làm hai tầng. Lưng chừng mỗi cột treo thêm một bức tranh sơn thuỷ vẽ cảnh Huế. Trần nhà được vẽ hoặc chạm nổi Mặt Trời, Mặt Trăng, tinh tú

Cách trang trí này thể hiện sự hài hòa giữa quyền lực đế vương (hình tượng rồng) với cảnh trí xung quanh và xa hơn là cả vũ trụ. Đây vừa là đạo của người cầm quyền, vừa là sự thăng hoa mà nghệ thuật đem lại cho người thưởng thức

Có thể hình dung rằng, giữa khung cảnh nhuốm màu sắc tâm linh huyền bí của Duyệt Thị Đường, tâm trí của người làm chính trị như được gột rửa, trở nên bao la, sáng suốt như bầu trời khi những tiếng đàn, lời ca vang lên trong nhà hát

Tinh thần này thể hiện rõ nét ở sân khấu nhà hát. Hậu cảnh của sân khấu là một ngôi đền nằm trên cao, được dẫn lên bằng hai cầu thang có bệ rồng. Mặt trước đền có hai câu đối của vua Minh Mạng: “Âm nhạc tinh trần hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí/ Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi".

Hai câu đối này có nghĩa là: "Âm nhạc cùng phô bày, hoà lòng người để nuôi dưỡng chí khí. Thiện ác cùng trình diện, khiến giữ được cái tốt mà giới hạn cái xấu". Đây thực sự là những quan điểm cô đọng về sức mạnh cảm hóa của nghệ thuật.

Và cái tên của nhà hát Duyệt Thị Đường – có nghĩa là “Nơi để xem xét điều phải trái” – lại một lần nữa tôn vinh tinh thần mến mộ cái đẹp ấy.

Có thể nói, với một vị vua, bước chân vào nhà hát Duyệt Thị Đường giống như bước vào một chốn linh thiêng. Chốn này là để tu dưỡng tinh thần, không phải để phóng túng tâm tham dật và hưởng lạc...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét