23 thg 9, 2019

Xa rồi làng "kén dâu"

Làng Sung Tích, địa danh từng nổi tiếng với nghề “kén dâu”, nay chẳng còn ai giữ lấy nghề. Chuyện làng, chuyện nghề xoay quanh câu ca dao “Trai Sung Tích một dạ kén dâu” thoắt cái đã trở thành câu chuyện dĩ vãng... 

“Gái Thanh Khiết chuyên nghề cải giá/ Trai Sung Tích một dạ kén dâu”. Mang thắc mắc về nghề “kén dâu” gắn với làng Sung Tích từng đi vào ca dao một thuở, nay còn không? Tôi tìm về Sung Tích – một vùng đất mộc mạc, yên bình nằm ở tả ngạn sông Trà, thuộc xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi).


Cây dâu hiện được người làng Sung Tích, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) trồng làm ranh giới giữa các thửa ruộng. 


Trả lời thắc mắc của tôi, lão nông Tô Cửu (83 tuổi), một trong những người từng trồng dâu, nuôi tằm nức tiếng làng Sung Tích ngày trước, cười hóm hỉnh: “Làng này chỉ còn “dâu”, không còn “kén” nữa con ơi...”.

Giải đáp cho câu nói vui của mình, ông Cửu bảo: Hơn 20 hộ trồng dâu, nuôi tằm ở Sung Tích giờ chẳng còn ai giữ lấy nghề. Nghề nuôi tằm bị “xóa sổ”, nhưng cây dâu tằm, thì vẫn còn hiện diện trên khắp các cánh đồng nơi đây. Bởi dâu là loại cây có rễ bám đất rất tốt, lại chịu được nước lụt, nên dù không còn nuôi tằm, nhưng người dân nơi này vẫn trồng dâu làm ranh giới phân chia giữa các thửa ruộng...

Trong ký ức của cụ Tô Cửu, nghề trồng dâu, nuôi tằm nơi đây hưng thịnh nhất là vào những năm 1980 – 1985. Ngày ấy, mỗi lần thu hoạch kén, người nuôi chỉ cần báo cho hợp tác xã là sẽ được cân, trả tiền tại nhà. Bán một ký kén, người dân vùng này đủ tiền mua 7 ký lúa. Trong khi lúa phải 4 tháng mới thu hoạch, thì tằm chỉ cần 21 ngày là cho một mẻ kén. Vì vậy, nghề trồng dâu, nuôi tằm từng là nghề tạo ra thu nhập chính cho mấy mươi hộ gia đình ở làng Sung Tích. 

Tiếc cho một loại cây giữ đất ven sông

Lão nông Tô Cửu tâm sự: “Cây dâu không chỉ phục vụ cho nghề nuôi tằm, mà còn giúp giữ đất và cải tạo đất. Nơi nào có cây dâu thì nơi đấy không lo bị sạt lở. Vậy nên, khi nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Sung Tích không còn, tôi vừa tiếc nghề, vừa tiếc cho một loại cây giữ đất ven sông”.

Bước sang tuổi xưa nay hiếm, cụ ông Phạm Cảng (81 tuổi) vẫn nhớ rõ mồn một về nghề trồng dâu, nuôi tằm của làng mình ngày xưa. "Cây dâu đặc biệt ở chỗ, dù nước lũ có chảy xiết cỡ nào, rễ cây vẫn bám chặt vào đất. Vậy nên, ngày xưa những bãi bồi dọc sông và chính giữa sông... đều được hợp tác xã ngày ấy giao lại cho những người trồng dâu, nuôi tằm như chúng tôi.

Qua khỏi mùa nước lụt, tầm tháng Chạp, chúng tôi chỉ cần ra lại bãi bồi, lôi bớt bùn đất phủ dày trên những gốc dâu, thế là dâu bung mầm mới. Chờ thêm chút nữa, sang tháng Giêng, khi dâu xum xuê lá, là lúc chúng tôi bắt đầu vào vụ tằm mới”, cụ Cảng bồi hồi. 

Không còn làm nghề trồng dâu, nuôi tằm gần 30 năm, nhưng lão nông Phạm Cảng, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) vẫn giữ lại các nong nuôi tằm đến tận ngày nay. 

Đất trồng dâu nằm ven sông, nên để “sống” được với nghề, ngày ấy người nuôi tằm ở Sung Tích phải qua bao gian truân. Đó là những lần người làng phải đội mưa, tròng trành chèo ghe ra giữa sông Trà hái lá dâu về cho tằm ăn rỗi; là các đợt lũ tiểu mãn đến bất ngờ, nước sông Trà dâng cao khiến nhà nhà nuôi tằm phải đạp xe đạp rong ruổi khắp Mộ Đức, Bình Sơn... kiếm lá dâu.

Chịu thương, chịu khó vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên để bám nghề. Thế nhưng người trồng dâu, nuôi tằm ở Sung Tích vẫn không vượt qua được những đổi thay của thị trường. Đến những năm 1990, khi ngành dâu tằm cả nước chững lại, những người từng theo cây dâu, con tằm tại làng Sung Tích đành chặt bỏ cây dâu, cất nong tằm vì không thể tiếp tục “sống” được với nghề. Từ năm 1995 trở về sau, nghề trồng dâu, nuôi tằm chính thức vắng bóng tại Sung Tích và cái tên làng “kén dâu” chỉ còn là ký ức xa xăm...

Bài, ảnh: Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét