7 thg 9, 2019

"Bảo vật" văn hóa miền biển

Đi dọc các làng chài ven biển Quảng Ngãi, người ta dễ dàng tìm thấy những lăng vạn rêu phong, cổ kính luôn nghi ngút khói hương. Ở những lăng vạn đó, dân làng chài tôn sùng, thờ cúng một vị thần luôn gắn bó với nghiệp biển. Ấy là tục thờ cúng cá Ông.

Thần hộ mệnh của ngư dân 


Đều đặn mỗi năm, cư dân thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) lại hội tụ về Lăng Vạn Nước Ngọt để tổ chức lễ hội cầu ngư, cúng thần Nam Hải cầu mong mùa đánh bắt mới mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Theo các bậc cao niên ở xóm Hòa Hải, thôn Thanh Thủy, cách đây hơn 200 năm, lần đầu cá Ôngi lụy bờ vào vùng đất này. Người dân thấy vậy nên đem xác cá Ông vào chôn trong vạn. Sau 3 năm, họ lấy di cốt đựng vào quách gỗ và thờ. Đến ngày nay, tại lăng vạn vẫn còn hai bộ di cốt của ông Nam Hải và bà Nam Hải. Cũng từ ấy, tục tế cá Ông ở lăng vạn Nước ngọt hình thành.

Nghi thức hát bả trạo trong lễ cúng cá Ông khắc họa đời sống văn hóa của những vạn chài hàng trăm năm trước 

Trong nghi lễ cúng cá Ông, chủ tế sẽ thực hiện các bước một cách trịnh trọng nhất; tư văn đọc văn tế ca ngợi công đức cứu giúp dân chài thoát nạn trên biển… Sau nghi lễ cúng, đội gươm, chèo làng chài sẽ múa hát bả trạo. Đây là hình thức diễn xướng dân ca.

Các điệu múa và hát bả trạo khắc họa phong tục tập quán của vạn chài, những hiểm nguy của ngư dân trước sóng dữ ngoài biển đông, và sự cứu giúp của thần Nam Hải khi gặp nạn. Những phong tục ấy luôn hướng về quá khứ, khắc họa những ngày đầu người Việt khai cơ lập nghiệp tại vùng đất mới, tạo nên tính cố kết cộng đồng mang tính chất đặc trưng của cư dân làng nghề vạn chài vùng ven biển ở Quảng Ngãi.

Ngư dân Võ Hoài chia sẻ, hơn 30 gắn với nghề biển, chưa có lễ cúng Ông nào ở lăng vạn vắng mặt ông. Bởi với ngư dân Hoài, thần Nam Hải luôn đem lại phước lành, may mắn cho cư dân làng biển. “Làng biển nào cũng vậy, người dân tín ngưỡng, thờ cúng ông Nam Hải chỉnh chu thì cả năm được thuận hòa, ra khơi mang lộc biển về”- ông Hoài khẳng định.

Một bộ xương cá Ông luôn được cất giữ trong lăng vạn như báu vật của làng biển 

Truyền thuyết kể rằng, những ngư dân thuở xa xưa đi đánh cá, gặp nạn trên biển đã được cá Voi che chở, cứu sống và đưa vào bờ. Từ đó tên gọi tôn kính cá Ông hay thần Nam Hải đã được hình thành. Dọc bờ biển Quảng Ngãi, có hàng chục lăng vạn hàng trăm năm tuổi.Nơi nào có lăng vạn thì nơi ấy là những vùng đất có duyên lành được cá Ông lụy bờ, nghỉ ngơi.

Đối với dân vùng biển, “Ông” lụy vào đâu thì ở đó may mắn, cả năm được mùa, ra khơi vào lộng bình yên nên từ bao đời nay tục thờ cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng.

Do vậy, mỗi lần cá ông lụy bờ được xem là sự kiện trọng đại của cả làng biển. Thủ tục chôn cất Ông cũng trịnh trọng vô cùng. Ông Vũ Huy Bình,- thành viên Ban trị sự lăng vạn Hải Ninh xã Bình Thạnh (Bình Sơn) cho hay: Lễ an táng theo nghi thức truyền thống, có dàn nhạc bát âm, đại cổ, tiểu cổ, có ban nghi lễ gồm tư văn, tư lễ đọc văn tế. Sau khi đầy đủ thì chọn giờ để khâm liệm và an táng. Trong mỗi lần an táng ấy, dân làng đều cử một bô lão uy tín, rành việc thờ cúng để chọn làm người để tang cho cá Ông.

Văn hóa tín ngưỡng đầy tính nhân văn

Những chiếc thuyền mỏng manh giữa trùng khơi, chẳng có gì bảo đảm giữa sóng nước mênh mông. Nhưng suốt mấy trăm năm qua, người dân ven biển Quảng Ngãi vẫn an nhiên sống, nối tiếp nhau từ đời này qua đời khác, bám trụ sinh tồn chỉ một niềm tin mãnh liệt vào đức Ngư Ông, loài cá to lớn của đại dương nhưng mang một sức mạnh huyền bí, lạ kỳ.

Mỗi khi cá Ông lụy bờ luôn được các làng chài thực hiện chôn cất với đầy đủ các thủ tục, nghi lễ trang trọng 

Lão ngư Võ Bình (84 tuổi) hơn nửa cuộc đời làm bạn với biển và cũng không ít lần gặp nạn được cá Ông cứu giúp không giấu được sự thành kính khi nhắc đến thần Nam Hải. “Ai đi biển cũng tin vào thần Nam Hải. Ổng hiền từ, hễ có tàu nào gặp nạn đều cứu giúp, đưa về bờ an toàn. Khi Ông lụy bờ vào làng chài nào thì làng chài ấy gặp may cả năm. Nên dân làng phải chôn cất như con người với đầy đủ lễ nghĩa để thể hiện lòng thành kính. ”- lão ngư Võ Bình chia sẻ.

Tục thờ cá Ông đã ăn sâu trong tiềm thức của cộng đồng dân cư rộng lớn ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Ông Cao Văn Chư- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh lý giải: Cá Ông là cách gọi cho loài cá Voi. Người ta tin rằng, đó là thần hộ mệnh và người ta thần thánh hóa thành một vị thần gọi là thần Nam Hải.

Trên thực tế việc thờ cá Ông xuất hiện ở khắp vùng ven biển trên đất nước Việt Nam. Vì người ta quan niệm là thần nên mỗi khi cá Ông lụy thì người ta làm lễ thức rất là kỹ lưỡng và lập miếu thờ. Hằng năm, người ta thường xuyên cúng nhang đèn và tổ chức các lễ hội thờ cá Ông.

Tục thờ cá Ông xuất hiện từ hàng trăm năm trước. Đó là văn hóa tín ngưỡng đậm nét của cư dân ven biển và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc 

Tục thờ cúng cá Ông, còn gọi là thần Nam Hải, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cá của người Việt các tỉnh Bắc Bộ. Trong dòng chảy lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng cá ông được củng cố bởi triều Nguyễn.

Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung. Lăng Ông luôn được làng chài thờ cúng quanh năm và đặc biệt vào mùa xuân hay mùa thu hằng năm, lễ hội cúng cá Ông theo nghi lễ truyền thống, rất trang trọng.

Thờ cúng cá Ông và tổ chức lễ hội cầu ngư được xem là nét tín ngưỡng đặc trưng, phản ánh tính đặc sắc của văn hóa miền biển. Đồng thời, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là tư tưởng tôn trọng và sống hài hòa với thiên nhiên.

Bài, ảnh: An Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét