21 thg 9, 2019

Quan niệm tâm linh về gà cúng của đồng bào vùng cao Nghệ An

Gà là vật phẩm quan trọng trong những nghi lễ tâm linh của cộng đồng các dân tộc miền núi. Người Thái và Khơ mú thường cúng gà trong khi gọi vía, cúng bản, lễ cầu mùa. Người Mông thường cúng một đôi gà gồm cả trống và mái trong khi làm vía cho người trưởng thành. 

Mâm cúng không thể thiếu con gà 


Còn hơn 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng chị Lương Thị Cáng ở bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương đã chuẩn bị lứa gà để cúng Tết. Ngoài phục vụ gia đình, chị còn dành ra hơn chục con. Gần Tết, nếu ai hỏi mua thì chị sẽ đem bán, gọi là có tiền mua bộ quần áo mới cho hai đứa con nhỏ. Cũng như người miền xuôi, người Thái ở bản Xiềng Nứa khá cầu kỳ trong việc chọn gà cúng Tết.

Con gà là vật phẩm quan trọng nhất xuất hiện trong hầu hết các dịp cúng lễ của người Thái. Khi gọi vía, mỗi gia đình người Thái cần từ 1 hoặc 2 con gà trở lên, tùy vào số lượng bàn thờ trong nhà. Khi có cưới hỏi, gà cũng là thứ đầu tiên người ta nghĩ đến.

Trong mâm cúng dâng lên thần linh trong lễ cúng bản cũng chẳng thể vắng mặt chú gà trống mào đỏ. Khi một người chết đi, nghĩa là về với cõi trời, ngoài gà cúng trên đầu áo quan (người Thái gọi là “cáy tằng hua”), người ta còn phải đem 1 con gà thả ở khu rừng ma, nơi chôn cất để người chết cũng có vật nuôi như người sống. 



Con gà, trong quan niệm tâm linh người Thái quan trọng hệt như giấy bản dùng để thờ của người Mông hay thịt sóc sấy khô trong các nghi lễ tâm linh của người Khơ mú ở huyện Kỳ Sơn vậy. Chúng giản đơn thật nhưng người ta cho rằng nó không thể thiếu vắng. Có những thứ đó thì lễ mới thành.

Cách chọn gà cúng theo truyền thống
Người Thái cũng có quan niệm truyền thống khá là cầu kỳ về gà cúng, thể hiện ở việc chọn con gà như thế nào, cách giết mổ, tạo hình sao cho phù hợp với những việc cúng cụ thể.

Thầy mo Lô Văn Hoàn trú ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương chia sẻ, trong truyền thống, nhất là thời phong kiến, người ta chọn gà cúng khá kỹ.

Gà trong mâm cúng vía. Ảnh: Hữu Vi 

“Trước đây người ta nhìn vào mào gà. Mào phải đỏ và cao. Sau đó mới xét đến lông, cánh và chân gà” - ông Hoàn cho biết và nói thêm, trong quan niệm của người Thái thì việc chọn gà không quan trọng bằng cách mổ và tạo hình con gà khi bày lên mâm cúng. Mổ xong gà, người ta thường cắt một đường nhỏ ở phao câu. Khớp gối cũng cắt nhưng không để lìa ra, sau đó thì chẻ mỏ và khóa cánh. Phần ruột được quấn quanh mề rồi bỏ vào bụng gà mới đem đi luộc. 

Khi bày mâm cúng cũng có một số điều rất được lưu ý. Gà thường được hướng đầu vào phía trong bàn thờ. Phía trước là rượu, nước chè; bên cạnh con gà là bát đũa. Ngày nay, nguyên tắc này không còn được tuân thủ nghiêm ngặt nhưng có một điều mà không mấy ai quên, đó là khi cúng vía cho người còn sống, người ta để ngửa con gà lên và chỉ để sấp khi cúng thần hay cho người đã khuất.

Người Thái thì như vậy, còn với một số cộng đồng người Mông ở huyện Kỳ Sơn, gà cũng là một vật phẩm quan trọng đối với tục cúng hồn vía và cúng thần. Dòng họ Lầu ở huyện Kỳ Sơn thường mổ 1 con gà trống khi cúng vía cho trẻ con và nhất thiết phải là gà trống. Hình thức xấu, đẹp, lớn, nhỏ không được đặt nặng. Còn khi cúng vía cho người lớn thì phải mổ 1 trống, 1 mái. Người Mông họ Lầu thường đặt sấp con gà, dù là cúng thần hay cúng vía cho người đang sống.

Người Mông họ Lầu thường cúng 2 lần. Điều này áp dụng cho cả cúng thần bản hay cúng vía. Lần đầu cúng gà sống, sau khi mổ và luộc chín lại cúng thêm lần nữa. 

Con gà là lễ vật không thiếu vắng trong lễ tế Đền Chiêng Ngam, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Hữu Vi 

Với người Khơ mú ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn), việc cúng gà cũng rất quan trọng trong những nghi lễ tâm linh, chỉ sau rượu cần. Người ta thường chỉ cúng gà trống trong khi làm lễ mừng năm mới. Khi gọi vía cho đàn ông, con trai thì dùng gà trống, cúng vía phụ nữ thì dùng gà mái.

Hữu Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét