7 thg 9, 2019

Về Hành Phước, theo dấu chân người xưa

Nằm về phía đông nam của huyện Nghĩa Hành, xã Hành Phước vừa giáp dòng sông Vệ, vừa giáp với núi Đình Cương. Nơi đây là vùng đất bán sơn địa, với nhiều di tích lịch sử trải dài theo thời gian và không gian.

Trên vùng đất yên bình với những ruộng lúa xanh rì dưới nắng vàng, chúng tôi được người dân dẫn đến nhà lưu niệm Nguyễn Công Phương (1888 - 1972) tại thôn Hòa Thọ. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, lớn lên trên mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, Nguyễn Công Phương đã sớm tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng, nhiều lần bị địch bắt tù đày.

Ông từng giữ các chức vụ Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Lê Đình Cẩn (Nghĩa Hành), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam Trung Bộ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam... 

Nhà lưu niệm Nguyễn Công Phương tại thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành). 

“Đó là tấm gương người chiến sĩ cách mạng trung kiên, bất khuất, trải qua thử thách tù đày, tra tấn của bọn thực dân và phong kiến vẫn trung với Đảng, hiếu với dân, nêu cao khí tiết cách mạng trước quân thù. Đó là tấm gương đạo đức cách mạng của một cuộc đời trong sạch, cần cù và giản dị, đến lúc tuổi già vẫn hăng hái nhận nhiệm vụ góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thân yêu của chúng ta...” (trích điếu văn tại lễ truy điệu ông ngày 23.8.1972). Những dòng chữ được trưng bày tại nhà lưu niệm Nguyễn Công Phương làm cho nhiều người thêm tự hào về vùng đất giàu truyền thống này.

Tại thôn Hòa Vinh còn có bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng thành lập và làm hiệu trưởng danh dự từ năm 1947 - 1952. Tháng 4.1947, trường bị hư hại do pháo hạm của Pháp bắn và làm một vài người chết, bị thương. Sau đó, trường chuyển đến một vài địa điểm khác trên địa bàn huyện Nghĩa Hành. Mặc dù chỉ có hơn 3 khóa học trong điều kiện vô cùng gian khó, nhưng tại đây đã góp phần đào tạo nguồn cán bộ phục vụ kịp thời sự nghiệp kháng chiến ở Liên khu 5, cực Nam Trung Bộ, Bình Trị Thiên và còn làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia.

Đến với Hành Phước, không thể không nhắc đến Di tích nơi làm lễ xuất quân quân tình nguyện Việt - Lào. Tại đây vào ngày 19.8.1948, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5 làm lễ xuất quân đưa ba đại đội quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào.

“Chỉ có vận động nhân dân Lào đứng lên kháng chiến thì mới đánh thắng giặc Pháp xâm lược. Các đồng chí phải thương yêu đất nước, núi sông, cây cỏ và nhân dân Lào như thương yêu đất nước, núi sông, cây cỏ và nhân dân Việt Nam ta vậy”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã căn dặn tại lễ xuất quân.

Ông Dương Mạnh (72 tuổi) ở thôn Đề An kể lại: Năm 2005, những người trong đoàn quân tình nguyện khi xưa (nay đều đã nghỉ hưu) tìm về nơi làm lễ xuất quân. Từ đó, nhiều người dân biết thêm về một “địa chỉ đỏ” trên quê hương của mình. Ngày 24.3.2010, Sở VH-TT&DL và Ban Liên lạc quân tình nguyện Việt - Lào đã tổ chức khánh thành bia di tích ghi lại sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến của quân và dân Liên khu 5, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc trong quan hệ Việt – Lào.
Huyện Nghĩa Hành nói chung và xã Hành Phước nói riêng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử. Đây đều là những di tích lịch sử có ý nghĩa với thế hệ trẻ. Bởi những di tích lịch sử không chỉ có giá trị thông tin, mà còn gửi gắm đến thế hệ hôm nay những thông điệp về niềm tự hào và lòng yêu nước, để sống xứng đáng với những hy sinh của các bậc tiền nhân.

Bài, ảnh: HUỲNH THẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét