18 thg 12, 2015

Về Đà Lạt ăn bánh căn co ro

Với vài người, bánh căn Đà Lạt chẳng có gì ngoài... một cục bột - thích thì chỉ thêm được ít trứng gà, hay trứng cút, không hơn. Nói vậy không sai gì, chỉ tiếc rằng, như thế nghĩa là chưa biết thưởng bánh căn.

Không nhân tôm, nhân mực như bánh căn miền Trung, bánh căn Đà Lạt được đúc đổ trong khuôn đất nấu than, thêm một ít trứng (nếu khách có nhu cầu), thưởng cùng nước chấm nhiều mỡ hành. Nhưng, cái thú co ro giữa tiết trời luôn lạnh và ẩm, nêm ớt xay cay đến hít hà, đợi từng khuôn bánh đến lượt mình... là cái thú mà ngoài Đà Lạt ra, chẳng nơi nào có được. 

Không nhân tôm, nhân mực như bánh căn miền Trung, bánh căn Đà Lạt được đúc đổ trong khuôn đất nấu than, thêm một ít trứng, thưởng cùng nước chấm nhiều mỡ hành. 

Giữa tiết trời se se, hay những chiều mưa buồn lất phất, ghé tiệm bánh căn có tiếng Đà Lạt, quan sát từ giai đoạn bột gạo sóng sánh đổ vào khuôn đất, thêm ít trứng đã đánh tan, đợi đến lúc lửa than hun nóng vàng vừa đáy bánh, áp cặp, chưng đĩa rồi chuẩn bị nước chấm, thưởng thức... cảm giác mới tuyệt làm sao! 

Có hai loại nước chấm để khách lựa chọn, một là nước mắm pha với đường, tỏi, ớt; hoặc mắm nêm - cũng được pha chế ngọt lại, cùng với mỡ hành và vài viên xíu mại (thịt viên chưng). Bánh căn Đà Lạt có vị rất riêng, đậm đà, ấm và ngọt ngào. Và, chính vì không nhân, nên, bánh căn Đà Lạt dậy mùi bột gạo - thứ mà người Việt Nam quen xem là hiển nhiên phải có trong các bữa ăn, nên ít ai chú tâm để ý đến dư vị của nó, xen cùng nước chấm giản đơn nhưng tạo ra một hương vị mà không chắc những món đắt tiền đạt đến được. 

Có vài người bạn, hỏi tôi về bánh căn, sau khi nhìn sơ qua thì phán, chỉ là cục bột. Tôi cười, mời bạn tường tận xem và thưởng cũng phải tường tận, đừng theo thói quen chung chỉ đưa vào miệng nhai nuốt, hỏi ngon không, bảo ngon mà hỏi lại món ăn gồm những gì lại chẳng biết. Cốt lõi của món ăn nằm ở gia vị, ở việc nêm nếm, ở nước chấm làm đậm mọi thứ lên. 

Có hai loại nước chấm để khách lựa chọn, một là nước mắm pha với đường, tỏi, ớt; hoặc mắm nêm - cũng được pha chế ngọt lại – cùng với mỡ hành và vài viên xíu mại (thịt viên chưng), bánh căn Đà Lạt có vị rất riêng, đậm đà, ấm và ngọt ngào. 

Thế nên, bánh căn đã thành món quen của người Đà Lạt, để thưởng cùng bạn bè, để giới thiệu như một đặc sản, nhưng, những điểm mới mở, không chắc đạt đến được cái đỉnh của bánh căn vốn đã nức tiếng rồi. Thế nên, những cái tên đi sau bánh căn, như Tăng Bạt Hổ, như chợ, như dốc Trương Công Định, như hẻm Yersin... vẫn là lựa chọn hàng đầu cho thực khách quen – lạ muốn thưởng thức món ăn này. 

Về Đà Lạt đi, để tôi đưa bạn đến những góc quán nhỏ, ấm, ngồi tránh mưa, co ro nghe than nổ tí tách dưới lò, nghiệm về thời gian đúc bánh, đến nếm từng chút một thứ này, để bạn không bảo, bánh căn Đà Lạt chỉ là... cục bột mà thôi! 

Trương Thanh Thùy - Ảnh: Nghĩa Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét