3 thg 12, 2015

Kỳ lạ ngôi miếu thờ ‘bà’ rắn ở Đồng Nai

Ở Bến Gỗ (xã An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai​) có một ngôi miếu nhỏ được nhân dân xây dựng để thờ thần rắn, theo tục thờ rắn của người Nam Bộ xưa. Có lẽ đây là ngôi miếu duy nhất ở Đồng Nai còn thờ rắn.

Bàn thờ “bà” bên trong chánh điện (ảnh tư liệu của học giả Lý Việt Dũng cung cấp). Ảnh: Bùi Trí

Trải qua bao lần tu bổ và xây sửa, đến nay ngôi chánh điện của miếu được xây cất lại nhìn như một... ngôi nhà cấp 4, không còn mang dáng dấp của một ngôi miếu cổ nữa.

Ngôi miếu có tên là miếu bà Khoanh, nằm sát bờ sông Bến Gỗ. Theo lời giải thích của học giả-nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Lý Việt Dũng thì chữ "Khoanh" không phải tên một người mà là một động tác khoanh tròn của một con rắn rất lớn. Ban đầu, miếu có tên là miếu rắn Bà Khoanh. Nhưng vì thời khẩn hoang, người dân "kiêng cữ" từ "rắn" nên mới gọi miếu Bà Khoanh cho đến tận hôm nay.


Miếu bà Khoanh hiện tọa lạc tại ấp 3, xã An Hòa, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Bùi Trí

Theo cuốn "Thông chí xã An Hòa" (do tác giả Lý Việt Dũng biên soạn năm 2007) ghi lại rằng: "Xưa kia có một con rắn cái to bằng bắp chân người lớn, đầu có mào đỏ chót hay về nằm khoanh tròn trên bờ sông. Nhân dân làng Bến Gỗ cho là điềm lành, có đấng thần linh về phù hộ mùa màng tươi tốt, bội thu nên xây một ngôi miếu bằng tre lá để thờ bà thần Rắn. Sau này, dòng họ Mai ở xóm Chài (Bến Gỗ) đã phát tâm xây dựng và trùng tu ngôi miếu to đẹp hơn bằng gạch, đá, gỗ vào các năm 1930, 1954... Hằng năm, miếu Bà Khoanh cúng giỗ lớn vào rằm tháng 3 âm lịch, đặc biệt ở đây còn duy trì tục cúng thịt heo sống.

Học giả Lý Việt Dũng đang đứng trước tiền sảnh miếu bà Khoanh (ảnh tư liệu của học giả Lý Việt Dũng cung cấp). Ảnh: Bùi Trí

Nhân dân Bến Gỗ vẫn còn truyền tụng nhau một câu chuyện: Ngày cúng lễ, vào nửa đêm họ thường nghe rất rõ tiếng nhạc ngựa và tiếng ngựa hí từ hướng sông Bến Gỗ chạy vọng dần dần lên ngôi miếu. Người ta tin rằng bà Rắn Khoanh ở dưới lòng sông Bến Gỗ cưỡi ngựa lên dự lễ cúng cùng nhân dân địa phương và để nhận vật phẩm cúng là... thịt heo sống. Đây có thể là một câu chuyện hoang đường, mang màu sắc tâm linh dân gian. Nhưng một khi người dân đã tin thì cũng không nên bác bỏ vì tín ngưỡng sẽ giúp vỗ an được lòng người...".

Tác giả bài viết được học giả Lý Việt Dũng cho xem dòng sự tích về miếu bà rắn Khoanh được ghi trong cuốn "Thông chí xã An Hòa"

Hiện tại, không hiểu vì lý do gì mà bên trong chánh điện chỉ có bàn thờ để thờ Ngũ Hành nương nương theo tín ngưỡng thờ bà của người Nam Bộ, không còn bàn thờ linh vị “bà” rắn Khoanh nữa. Tuy vậy, tục cúng giỗ “bà” rắn vẫn được duy trì xuyên suốt thời gian từ xa xưa đến tận hôm nay. Đây là một nét đẹp văn hóa dân gian mà người dân Bến Gỗ bảo ban với thế hệ con cháu thay phiên nhau gìn giữ và phát huy muôn đời mai sau.

Bùi Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét