14 thg 12, 2015

Đời người qua nhịp trống chầu

Kiểm tra từng chiếc đinh đóng trên thành trống, ông Hồ Văn Ổi (76 tuổi, ngụ KP.5, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) là Hương cổ (người đánh trống trong dịp lễ tế) của đình Tân Bản (KP.5, phường Bửu Hòa) nói với chúng tôi “Từ xưa, có việc gì cần họp dân đều phải đánh trống để mọi người kéo tới đình làng. Bây giờ, trống chiêng không còn sử dụng để họp dân nữa, nhưng với chúng tôi đó là một phần lịch sử không bao giờ bị lãng quên của vùng đất này…”.

Cổng đình Tân Bản. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

* Truyền đời đánh trống chầu

Trong tiết trời đầu xuân mát dịu, ông Ổi chậm rãi thắp nhang trầm ở các lư hương bên trong đình, rồi khệ nệ khiêng cái trống chầu ra ngoài sân để lau bụi. “Trống là linh hồn của các buổi lễ tế, là thứ được gióng lên ngoài trận tiền, trong các dịp lễ hội, vì vậy trống phải thường xuyên được kiểm tra để tránh gặp sự cố trong khi sử dụng. Như cái trống này, theo như những người giữ đình đời trước kể lại thì nó đã có từ lúc đình được nhận sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852, tôi cũng không rõ lắm mà chỉ biết nó đã được sử dụng từ rất lâu rồi…”, ông Ổi đưa tôi xem những chiếc trống đang được cất giữ trong đình.

Ông Võ Văn Hoàng, Chánh tế đình Tân Bản khai trống đầu xuân vào mùng 4 tết.

Không nhớ từ lúc nào mà gia đình ông Hồ Văn Ổi đã nhiều đời giữ chức Hương cổ ở đình Tân Bản. Chỉ biết từ khi còn rất nhỏ, ông say sưa coi ông nội mình đánh trống mỗi dịp lễ và hát bội trong đình. Rồi cha ông cũng là chức sắc trong đình làng, giờ tới phiên ông lại tiếp tục đảm nhận công việc đó. “Truyền thống rồi cậu à, con tôi sang năm cũng ra phụ việc ở đình làng, phải là những người có tuổi, ít nhất là hơn 50, khi đã có những trải nghiệm của một nửa đời người rồi mới ra làm việc cho làng được. Giữ đình, làm lễ phải lựa những người nào thực sự gắn bó với đất, với người nơi đây thì họ mới dành hết tâm huyết cho việc chung của làng được…” - ông Ổi tâm sự.

“Người đánh trống chầu là người phải nắm tất cả những nghi lễ của đình, vì vậy phải trải qua thời gian làm Chánh tế trong đình rồi mới được làm Hương cổ. Từ khi trở thành chức sắc trong đình, phải mất thêm 12 năm nữa để trở thành người đánh trống trong mỗi buổi tế…” - ông Hồ Văn Mai cho biết.
Để được giữ vị trí Hương cổ phải mất gần 20 năm tham gia việc làng, từ thành viên tới chức việc, chức sắc rồi sau cùng là Hương cổ. Ông Ổi đã tham gia việc làng ở đình Tân Bản từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông cho biết cái khó trong việc đánh trống chầu là phải nắm bắt được hết khi nào thì phải đánh, khi nào thì ngưng, phải theo trình tự trong khi hành lễ.

Trống có nhiều loại, dùng cho những dịp, những việc khác nhau, trống tế, trống chầu, trống đại… và mỗi loại trống đều có một cách đánh riêng, một tư thế đánh sao cho tiếng trống vang xa nhất. “Thực ra không có nhiều quy định về kích thước của các loại trống, chỉ là người đời trước truyền lại thì người đời sau cứ giữ lấy thôi. Trống chầu ở đình chúng tôi thì có từ rất lâu rồi, trống được làm từ thân cây gỗ nguyên, đục ruột rồi phủ da trâu lên đó. Vì vậy âm thanh của chiếc trống này rất đặc biệt và dĩ nhiên là chỉ sử dụng trong những dịp lễ hay có đoàn hát tới. Còn khi dùng trong việc cúng tế thì phải sử dụng trống riêng” - ông Hồ Văn Mai (68 tuổi, ngụ K.P5, phường Bửu Hòa) em họ ông Ổi, Hương cổ đình làng Tân Bản, cho biết.

* Một thời vàng son

Đình Tân Bản. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ông Ổi cất chiếc trống đã được lau xong vào trong đình rồi quay sang nói chuyện với chúng tôi, ông kể mỗi lần có gánh hát về diễn, người cầm chầu phải ăn mặc nghiêm chỉnh với áo thụng, khăn chít đầu, ngồi trước hàng khán giả, gần sân khấu và phải nhìn thấy tận hai bên “cánh gà”. Khi đó, người cầm chầu là đại diện cho ý kiến của bà con, của chức sắc trong làng và có nhiệm vụ “thưởng chầu” cho đào kép trong suốt quá trình hát. “Người ta nói cầm chầu là một trong bốn cái dại, vì nếu trong lúc đào kép hát mà chấp sự “thưởng chầu” không đúng lúc hoặc không đúng nhịp thì ra về sẽ bị đoàn hát trách móc. Nếu nặng hơn thì đoàn hát giận không quay lại hát cho làng nghe nữa. Đó cũng là lý do tại sao phải mất gần 20 năm mới được giữ vị trí Hương cổ trong làng. Mấy người trẻ quá nhiều khi mê coi hát, mê cô đào lại bỏ quên việc chính của mình là “thưởng chầu” cho họ, ra về họ giận thì lại mất vui…” - ông Ổi cười, kể lại cho chúng tôi nghe những chuyện ngày còn nhỏ ông đi coi hát ở đình.

Tới đúng giờ hát, chấp sự hai tay cầm hai dùi trống quay mặt hướng về đình vái thần và chào khán giả rồi ngồi xuống cầm chầu, mặt hướng về sân khấu. Suốt buổi hát, chấp sự túc trực xem để điều khiển tiếng trống và quan trọng nhất là phải biết “thưởng chầu” đúng lúc để tỏ thái độ tôn trọng và khích lệ người diễn. Một đoạn diễn hay, một khúc hát được mọi người tán thưởng, nhưng phải có tiếng “thưởng chầu” vang lên đều đặn thì mới thật sự là một đêm diễn thành công.

Chấp sự cầm chầu phải nắm chắc kiến thức về nghệ thuật hát bội, vì cần phải chủ động điểm câu cho nghệ sĩ rất chuẩn. Đến những những đoạn cao trào, khi câu hát ngân lên rồi thả xuống, hoặc khi diễn viên thể hiện chi tiết đắt giá, tiếng trống chầu không đơn giản chỉ vang lên từng tràng dài mà nhịp trống còn phải có sức dồn nén, hối hả và lay động. Người cầm chầu chính là người góp phần làm tăng sức hấp dẫn của một buổi diễn.

Nhà vỏ ca đình Tân Bản. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ông Bùi Văn Lang (71 tuổi, ngụ KP.5, phường Bửu Hòa) là Hương lễ của đình Tân Bản nói thêm, phần lớn Hương cổ trong đình phải là người có sức khỏe tốt vì trong lúc hành lễ phải đánh trống suốt 2 tiếng đồng hồ. Thường những người giữ chức Hương cổ đều vào độ tuổi 70 nên sức khỏe không còn như lúc mới vào làm việc trong đình. “Mới hôm trước đi đám tang, có ông vì không chịu nổi nhang khói mà trong lúc đánh trống bị ngất xỉu phải đem ra ngoài cho thoáng mới tỉnh lại được đó. Ở vị trí nào thì sức khỏe cũng là điều quan trọng, không thể đang cử hành lễ mà ông Hương cổ lại ngất xỉu được nên chúng tôi phải luôn có người túc trực để thay thế khi có chuyện xảy ra” - ông Lang cho biết.
Khi ban quý tế đình Tân Bản đến đông đủ, bên bình nước trà, mọi người bắt đầu nói chuyện về tết của gia đình mỗi người. Nhưng khi nhắc đến chuyện mời gánh hát về diễn cho bà con xem thì không khí bỗng dưng chùng xuống, mỗi người đều thở dài có vẻ như luyến tiếc. Thấy chúng tôi không hiểu, ông Ổi giải thích: “Ngày xưa còn có đông người coi, trẻ con hồi đó cũng thích đi xem hát như người lớn chứ không như bây giờ. Hát bội phần lớn diễn vào buổi tối, đến khuya mới xong, giờ chỉ còn người già đến coi, nhiều lúc họ mệt rồi bỏ về chỉ còn đào hát ở trên sân khấu, chấp sự cầm chầu và vài người chịu khó ở lại. Lắm lúc nghĩ mà buồn nhưng không trách ai được, thời đại giờ có nhiều thứ hấp dẫn hơn là đi xem hát. Một lần mời đoàn hát về là tốn rất nhiều tiền, nếu như bà con ai cũng chịu coi thì chúng tôi cũng cố gắng vận động mọi người đóng góp để mời đoàn hát về cho bằng được. Nhưng còn mấy ai thích coi nữa ngoài mấy ông già chúng tôi…” - ông Ổi thở dài luyến tiếc.

Thường thì phải mất nhiều năm để một người mới vào có thể nắm được hết những quy tắc trong việc đánh trống dịp lễ tế. Và còn mất nhiều năm hơn nữa mới có thể tự tin cầm chầu ở những đêm hát bội, vì chấp sự không chỉ là người “thưởng chầu” mà còn là người giữ “linh hồn” cho cả buổi diễn, là người chắp mối liên hệ giữa người diễn và người xem. “Đó, khổ vậy đó mà thằng cháu tôi ở nhà vẫn đòi tôi nói ông Ổi dạy đánh trống để sau này được cầm chầu…” - ông Lang cười rất tươi, một không khí vui vẻ át đi những tiếng thở dài luyến tiếc vừa rồi.

Nắng vẫn vàng ươm trên tán lá xum xuê che mát sân đình, trước mắt tôi những người ở bên kia cái dốc cuộc đời đang âm thầm gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất này.

Đăng Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét