8 thg 4, 2015

Nét cổ kính và thanh tịnh xứ Kinh Bắc

Về Kinh Bắc mọi người còn được ôm trọn trong không gian thanh tịnh, bình yên cùng nét kiến trúc cổ kính của những ngôi Đền, ngôi Chùa nơi đây.

Chùa Bút Tháp là một trong không nhiều ngôi chùa cổ, có quy mô kiến trúc lớn của Đồng bằng Bắc Bộ còn lại đến ngày nay. 


Chùa chính với ba dãy nhà Tiền đường - Thiên hương - Thượng điện, tạo thành chữ "công". Cách bố trí như vậy làm nổi bật điện thờ bên trong với các pho tượng. 

Chùa Dâu là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên ứng tự. 

Giữa sân chùa trải rộng là cây tháp Hòa Phong. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 m nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng ngàn năm.

Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817.

Một chiếc giếng cổ cùng cây Dâu trĩu quả chín bên trong chùa Dâu

Chùa Phật Tích, ngôi chùa có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật dài khoảng 60 m, rộng khoảng 33 m, mặt ngoài bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật.

Đường lên Bảo Tháp. Sau sân nền có 32 ngọn tháp xây bằng gạch và đá là nơi cất giữ xá lị của các nhà sư từng trụ trì ở đây, phần lớn được dựng vào thế kỷ 17.

Toàn cảnh chùa Phật tích, Bảo Tháp, và tượng Phật A Di Đà trên đỉnh núi Phật Tích.

Cổng trước Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô hoặc Cổ Pháp điện là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý.

Cánh cổng được trạm khắc hình rồng tinh xảo. Cổng vào nội thành gọi là Ngũ Long Môn vì hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng.

Trung tâm của Khu nội thành và cũng là trung tâm đền là chính điện.

Kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái, 8 đao cong mềm mại.

Rêu phong in màu thời gian

Duy Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét